Chè vằng phân bổ khá phổ biến tại vùng gò đồi các huyện Hải Lăng, Cam Lộ... Đây là loại cây dược liệu bản địa có giá trị, cần được bảo tồn, nhân giống, tạo nguồn dược liệu và nhân rộng thành sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm gần đây, việc phát triển rừng sản xuất đã thu hẹp diện tích cây lá vằng trong tự nhiên, trong khi đó nhu cầu khai thác thân lá cây lá vằng để nấu cao, chế biến các sản phẩm từ chè vằng ngày càng tăng cao. Do đó đặt ra vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ sạch, cung cấp nguyên liệu ổn định cho sản xuất; đầu tư công nghệ, trang thiết bị nhằm chế biến các sản phẩm từ chè vằng đảm bảo an toàn vệ sinh, đồng thời thúc đẩy xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm từ cây chè vằng, đảm bảo đầu ra sản phẩm.

Nhằm củng cố và bảo tồn nguồn gen cây chè vằng tại địa phương, ứng dụng các tiến bộ KH&CN, tạo mô hình sản xuất tập trung tạo nguồn nguyện liệu cho chế biến, phát triển thương hiệu cao lá vằng tại vùng đất La Vang, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, hướng tới phát triển sản xuất chè vằng tập trung theo yêu cầu về nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO, dự án cấp cơ sở “Sản xuất thử nghiệm cây chè vằng, tạo sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh” do Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hải Lăng là đơn vị chủ trì thực hiện và bước đầu đạt được kết quả nhất định.

Cùng với việc triển khai thử nghiệm sản xuất giâm ươm giống, đơn vị chủ trì thực hiện đã khảo sát, phối hợp với trang trại ông Hoàng Anh Quyết tại thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng triển khai mô hình trồng thử nghiệm 3 ha tập trung bằng giống tạo được từ kết quả giâm hom. Sau một thời gian triển khai thực hiện cho thấy mô hình nhân giống vằng sẻ bằng phương pháp giâm hom đạt kết quả tốt. Đơn vị chủ trì dự án đã hoàn thiện đề xuất quy trình sản xuất nhân giống cây chè vằng để các hộ trên địa bàn có thể tham khảo, áp dụng, trong đó việc đầu tư vườn cây bố mẹ là vấn đề được quan tâm.

Lá vằng được người dân sử dụng từ lâu và đã hình thành các làng nghề nấu cao lá vằng trên địa bàn tỉnh. Cao lá vằng Quảng Trị hiện được sử dụng rộng rãi, có mặt khắp cả nước, đã có giá trị thương hiệu, chất lượng và được người tiêu dùng tin dùng.


Ảnh minh họa.

Từ những giá trị của cây chè vằng, năm 2016, Sở KH&CN Quảng Trị đã phối hợp với Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nghiên cứu sâu hơn hoạt tính sinh học của cây chè vằng tại Quảng Trị đối với sức khỏe con người. Qua quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên và Sở KH&CN đã chiết và thử nghiệm hoạt tính sinh học của chè vằng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hàm lượng thành phần hoạt chất có trong cao của cây chè vằng thu hái tại vùng La Vang và Cam Lộ cao hơn so với các mẫu cao chè vằng thương mại bán trên thị trường. Cao chè vằng trong nghiên cứu được chiết xuất trong điều kiện áp suất, nhiệt độ thấp và sử dụng dung môi thích hợp chứa nhiều hoạt chất có tính chống oxy hóa, trung hòa gốc tự do, kháng được 1-3 chủng vi sinh vật kiểm định, đặc biệt có nhiều hoạt tính sinh học phong phú kể cả hoạt tính kháng dòng tế bào gây ung thư gan Hep-G2 và ung thư phổi LU-1. Nghiên cứu này góp phần nâng tầm giá trị của cây chè vằng nói chung và các sản phẩm từ chè vằng Quảng Trị nói riêng.

Những kết quả bước đầu trong nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN trong trồng, chăm sóc, chế biến và thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm chè vằng cho thấy sự quan tâm, nỗ lực của ngành KH&CN tỉnh, chính quyền địa phương trong việc nghiên cứu, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên dược liệu bản địa, phục vụ sự nghiệp y tế và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Song song với việc xây dựng một số mô hình sản xuất thử nghiệm cây chè vằng, tạo cơ sở bước đầu để xây dựng vùng nguyên liệu, vấn đề kiểm tra kiểm định chất lượng sản phẩm từ cây chè vằng của địa phương cũng được chú trọng, góp phần thúc đẩy thương mại hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm. Từ đó, phát triển nghề nấu cao dược liệu truyền thống tại các địa phương, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ dân.

Để phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu cao lá vằng của từng địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thời gian tới, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp có sự phối hợp đồng bộ để cùng với nhân dân đầu tư xây dựng vườn cây bố mẹ để có nguồn vật liệu hom giống tốt, đảm bảo về số lượng, chất lượng cho cây giống chè vằng được sản xuất. Đồng thời đầu tư công nghệ chế biến, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, chế biến chè vằng; hoàn thiện xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm từ cây vằng nhằm đưa sản phẩm chất lượng cao đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.