Hà Nội có đầy đủ tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) như nhu cầu thị trường lớn, có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu cả nước... nhưng thành tựu trong lĩnh vực này còn khiêm tốn.

Đó là nhận định của bàNgô Thị Thanh Hằng -Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội - trong hội nghị “Tăng cường ứng dụng KH&CN phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa giá trị cao bền vững” do Thành ủy, UBND thành phố tổ chức ngày 7/11.

Có thành tựu nhưng chưa đột phá

Tại hội nghị này, mô hình trồng lan hồ điệp ở Hợp tác xã Đan Hoài (Đan Phượng, Hà Nội) được giới thiệu như một điển hình. Hằng năm, mô hình sản xuất này mang lại doanh thu từ 4-5 tỷ đồng/ha. Hợp tác xã Đan Hoài sở hữu cơ sở vật chất tiên tiến với 10.000m2 nhà lưới để sản xuất hoa cao cấp, một phòng nuôi cấy mô hiện đại với đội ngũ kỹ thuật có trình độ cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của PGS-TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, thành công của Hợp tác xã Đan Hoài chưa phải là đột phá. Ông giải thích: “Là địa phương tiên phong đặt vấn đề phát triển nông nghiệp CNC của cả nước nhưng đến nay, Hà Nội chưa hình thành được vùng nông nghiệp CNC, khu nông nghiệp CNC. Diện tích mà HTX Đan Hoài đang phát triển còn quá nhỏ bé so với tiềm năng của Hà Nội.”

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham quan các sản phẩm nông sản điển hình của Hà Nội. Ảnh: Lam Anh
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham quan các sản phẩm
nông sản điển hình của Hà Nội. Ảnh: Lam Anh

Bản thân bà Bùi Hường Bích - Chủ nhiệm Hợp tác xã Đan Hoài - cũng cho rằng, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, mới chỉ xuất hiện ở một số công đoạn nhỏ trong chuỗi sản xuất. Do đó, năng suất, chất lượng và giá trị nông sản chưa thật sự được cải thiện, thiếu tính cạnh tranh.

“Là địa bàn tập trung đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, các cơ sở nghiên cứu hàng đầu của cả nước nhưng do thiếu thông tin, sự liên kết phối hợp, nhất là từ phía doanh nghiệp nên số dự án nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế” – bà Bích nói.

Một thực tế khác cũng được PGS-TS Đặng Văn Đông nhắc đến, đó là Hà Nội chưa có khu nhà máy, phân xưởng để sản xuất giống cây trồng, hầu như đều phải nhập từ tỉnh khác hoặc nước ngoài. Cây giống ăn quả có thể sản xuất được nhưng chưa quy củ, bài bản, chưa ứng dụng được công nghệ trong quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, thành phố mới quan tâm đến ứng dụng kết quả nghiên cứu chứ chưa chú trọng hình thành địa chỉ giới thiệu sản phẩm, chưa có vùng gắn kết sản xuất với thương mại.

Hướng tới hình mẫu nông nghiệp điển hình

Trước thực tế hoạt động phát triển và ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp ở Hà Nội còn nhiều điểm bất cập, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, đề xuất: “Sản xuất nông nghiệp phải hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, bao tiêu sản phẩm. Từ đó, sản phẩm sẽ được cung ứng cho thị trường Hà Nội và tiến tới xuất khẩu. Lãnh đạo các quận, huyện cần căn cứ theo hướng sản xuất của địa phương, nhu cầu của thị trường chủ động phối hợp, đặt hàng liên kết các nhà khoa học và doanh nghiệp nông nghiệp”.

Bà Hằng cũng lưu ý, quy hoạch phát triển nông nghiệp CNC cũng cần bám sát quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó, sao cho vùng trồng rau, vùng chăn nuôi tránh xa khu dân cư…

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng góp ý: “Thành phố cần tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp để tăng cường năng suất và chất lượng nông sản, tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến, thương mại hóa các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có hiệu quả kinh tế và bền vững”.

Bên cạnh đó, để phát huy các lợi thế về nguồn lực KH&CN, Hà Nội cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, IoT để phát triển mô hình nông nghiệp thông minh, từ đó tạo ra một nền nông nghiệp thực thụ, đủ sức lan tỏa đến các tỉnh, thành phố xung quanh.

“Hà Nội phải trở thành hình mẫu cho sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn (kể cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), trước hết để phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô, sau đó là trở thành mô hình điển hình cho các địa phương trong vùng học tập, nhân rộng” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng kỳ vọng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn thành phố đạt 25%, trong đó, đối với lĩnh vực trồng trọt đạt 17,9%, chăn nuôi 33,5%, thuỷ sản 13%... Nhìn chung, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt năng suất cao hơn so với mô hình truyền thống từ 10-12%; hiệu quả kinh tế tăng từ 25 đến 28%...