Nhiều vi phạm tinh vi
Xin bà cho biết có hay không việc thị trường có nhiều cơ sở kinh doanh các sản phẩm giả mạo sâm Ngọc Linh?
Kết quả khảo sát, xác minh cho thấy, thông tin báo chí đăng tải về sâm Ngọc Linh giả trên thị trường là chính xác. Thực tế này ảnh hưởng đến giá trị, danh tiếng, uy tín và việc duy trì, phát triển CDĐL sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh, đến lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng; đồng thời đặt ra yêu cầu xử lý.
Cụ thể việc giả mạo sản phẩm này diễn ra như thế nào, thưa bà?
Khảo sát thị trường và ghi nhận từ phản ánh của UBND các tỉnh, các cơ quan, doanh nghiệp tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Kon Tum cho thấy, tại các địa phương này xuất hiện sâm Ngọc Linh giả gồm hạt, giống cây, củ, lá và hoa. Các sản phẩm giả được cho là tam thất hoang hoặc tam thất Vũ Diệp, được chuyển từ phía bắc vào.
Các hành vi vi phạm rất khác nhau, có thể vi phạm quyền SHTT hoặc tiêu chuẩn chất lượng như: Sử dụng trái phép biển hiệu “Sâm Ngọc Linh”, tên doanh nghiệp, tên thương mại chứa cụm từ “Sâm Ngọc Linh” mà không được phép của UBND các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum; bán sâm Ngọc Linh giả và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh giả tại các cửa hàng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, mua bán công khai hoặc giao nhận tận tay, cất giấu tại nơi ở...
Nhanh chóng hoàn thiện bộ công cụ kiểm soát
Trong phạm chức năng quản lý, Bộ KH&CN đã vào cuộc như thế nào, thưa bà?
Thực hiện Quyết định số 2130/QĐ-BKHCN ngày 10/8/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&CN, chúng tôi lập đoàn công tác gồm 6 thành viên do Thanh tra bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Cục SHTT, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN tiến hành khảo sát, xác minh thông tin sâm Ngọc Linh giả từ ngày 14/8 đến ngày 17/8 tại Đà Nẵng, Quảng Nam
và Kon Tum.
Đoàn đã khảo sát một số địa điểm kinh doanh sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại Đà Nẵng, vùng ươm tạo, trồng sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum); làm việc với UBND các tỉnh, huyện kể trên, các cơ quan về KH&CN, công thương, y tế, công an, nông nghiệp ở địa phương cũng như các doanh nghiệp có liên quan.
Kế hoạch của Bộ KH&CN về việc xử lý vấn đề sâm Ngọc Linh giả như thế nào, thưa bà?
Các cơ quan đang gặp nhiều khó khăn trong phát hiện và xử lý sâm Ngọc Linh giả. Nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả thực trạng này, bảo vệ giá trị, danh tiếng, uy tín của sản phẩm quốc gia cũng như quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo bộ, kết quả khảo sát, xác minh và trao đổi, thống nhất với các đơn vị có liên quan, Bộ KH&CN đã lập kế hoạch và đang triển khai một loạt giải pháp.
Cụ thể, Cục SHTT cần chủ trì việc hỗ trợ các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum nhanh chóng hoàn thiện bộ công cụ để quản lý, kiểm soát, bảo vệ CDĐL “Ngọc Linh” (như quy chế quản lý, sử dụng CDĐL; bộ tem, nhãn nhận diện CDĐL...); xem xét việc mở rộng vùng CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ đối với khu vực lân cận nếu đủ điều kiện.
Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng phối hợp với Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật rà soát, đề xuất triển khai việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến sâm Ngọc Linh. Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật là đầu mối của Bộ KH&CN phối hợp với UBND Quảng Nam và Kon Tum xây dựng các nhiệm vụ KH&CN để triển khai trong chương trình Sản phẩm quốc gia.
Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN sớm triển khai hoạt động của Trung tâm Ươm tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN đặt tại tỉnh Kon Tum, bao gồm máy móc, thiết bị giúp xác định chính xác sâm Ngọc Linh và bố trí nguồn nhân lực hợp lý để thực hiện công việc này.
Vụ Địa phương phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến sâm Ngọc Linh thông qua các dự án thuộc chương trình Nông thôn, Miền núi và các nhiệm vụ KH&CN cấp thiết địa phương. Thanh tra bộ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất kế hoạch, phương án phát hiện và xử lý sâm Ngọc Linh giả.
Xin trân trọng cảm ơn bà!