Nhằm mục đích phục tráng, phát triển các giống lúa nếp đặc sản của địa phương, trong những năm gần đây, bằng nguồn vốn KH&CN, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cao Bằng đã nghiên cứu, phục tráng thành công 2 giống lúa nếp hương Bảo Lạc và nếp Pì Pất Hòa An. Hiện nay, Trung tâm đang nghiên cứu, phục tráng giống lúa Khẩu Phấng và Tin Pất, đây là 2 giống lúa đặc sản của huyện Trùng Khánh và bước đầu công tác nghiên cứu đã đạt được một số kết quả khả quan.

Những năm gần đây, lĩnh vực nông nghiệp của huyện Trùng Khánh đang có sự thay đổi về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năng suất cây trồng được tăng thêm nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Đặc biệt là một số giống gạo nếp nổi tiếng thơm ngon của địa phương được người dân trên địa bàn tỉnh ưa chuộng, như: Khẩu Phấng (nếp Ong), Tin Pất được gieo trồng tại các xã Ngọc Côn, Ngọc Khê, Đình Phong, Phong Châu và Chí Viễn.

Tuy nhiên, việc bảo tồn nguồn giống của người dân trên địa bàn huyện còn hạn chế, chủ yếu do người dân tự giữ giống từ vụ này sang vụ khác nên không tránh khỏi sự thoái hóa giống do yếu tố di truyền và điều kiện ngoại cảnh tác động. Với mục tiêu khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn gen các giống lúa nếp đặc sản của huyện Trùng Khánh, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo nếp đặc sản của tỉnh Cao Bằng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng các giống lúa nếp đặc sản của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”, đây là việc làm vô cùng cần thiết để duy trì, nâng cao năng suất và chất lượng các giống lúa đặc sản của địa phương.

Theo chị Triệu Thị Hường, xóm Khưa Hoi, xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh cho biết, Khẩu Phấng và Tin Pất là 2 giống lúa đã được người dân trên địa bàn xóm trồng từ lâu, nguồn giống do người dân địa phương tự dự trữ từ mùa này sang mùa khác đã dần làm thoái hóa chất lượng nguồn giống, năng suất không cao, chị cho biết thêm, gia đình chị sau hai năm gieo cấy từ nguồn giống đã qua phục tráng cho thấy năng suất cao hơn so với những năm trước, khoảng trên 40 tạ/ha, cây cao, khỏe, ít đổ, bông đều, hạt chắc từ đầu bông đến cuối bông.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đề tài đã tiến hành điều tra về giống, tập quán canh tác, năng suất, sản lượng các giống lúa tại địa phương. Tiến hành gieo cấy vụ thứ nhất tại xã Ngọc Côn với diện tích 1.000m2, mỗi giống 500m2, sau đó thực hiện việc chọn giống, tiếp tục gieo cấy vụ 2 năm 2017 với 80 dòng, diện tích 2.000m2, mỗi giống 1.000m2. Qua theo dõi, đo đếm các chỉ tiêu, đề tài đã lựa chọn được 9 dòng giống Khẩu Phấng và 8 dòng giống Tin Pất để làm giống gieo cấy vụ thứ 3 năm 2018. Đây là các giống được phục tráng theo Quy trình phục tráng giống lúa thuần của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với các tính trạng nổi trội đạt năng suất cao hơn so với giống ban đầu chưa phục tráng.

Với những thành công bước đầu trong công tác nghiên cứu, phục tráng 2 giống lúa Khẩu Phấng và Tin Pất, với mong muốn tiếp tục để người dân trên địa bàn sử dụng được nguồn giống có chất lượng, ông Phan Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Côn chia sẻ, trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng nguồn giống đã qua phục tráng vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Trong thời gian tới, đề tài sẽ triển khai xây dựng mô hình trồng thí điểm với diện tích 2ha lúa Khẩu Phấng và Tin Pất từ nguồn giống đã được phục tráng tại xã Ngọc Côn. Tiếp tục theo dõi đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển, năng suất chất lượng của giống lúa đã qua phục tráng. Xây dựng quy trình thâm canh lúa Khẩu Phấng và Tin Pất phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương.

Kết quả cuả đề tài sẽ tạo ra giống lúa Khẩu Phấng và Tin Pất có năng suất cao, chất lượng tốt. Thành công của đề tài là tiền đề để địa phương mở rộng diện tích gieo trồng 2 giống lúa nếp Ong và Tin Pất, tạo ra sản phẩm có giá trị hàng hóa góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống, từng bước xóa nghèo tiến tới làm giàu chính đáng của người dân trên địa bàn.