Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp cho việc tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, khai thác hợp lý đất đai, tiết kiệm đất cho nông nghiệp, giải quyết việc làm, hình thành tập quán canh tác theo hướng nông nghiệp hàng hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Đặc biệt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đem lại lợi ích rất lớn trong việc phát huy cao độ tiềm năng năng suất, chất lượng của giống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông nghiệp, giá thành hạ, hiệu quả kinh tế, đảm bảo môi trường sinh thái.
Thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, những năm gần đây, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Vĩnh Phúc tiến hành triển khai thực hiện nhiều đề tài và tạo ra những giống rau, quả mới chất lượng cao như dưa lê Hàn Quốc, dưa vân lưới, dưa thơm, cà chua cherry trong nhà màng cải tiến.
Triển khai thực hiện đề tài, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Vĩnh Phúc tiến hành xây dựng 1 nhà màng cải tiến diện tích 261m2 tại Trung tâm. Nhà màng cải tiến được xây dựng có mái che mưa, độ mở mái 1,2m. Xung quanh nhà màng được bao bởi một lớp chắn côn trùng, hệ thống nhỏ giọt, tủ điều khiển điều chỉnh tưới nước tưới phân tự động cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây qua từng giai đoạn sinh trưởng. Xây dựng 4 mô hình trình diễn trong nhà màng và đối chứng ngoài đồng ruộng cho 4 loại rau quả dưa lê Hàn Quốc, dưa vân lưới, dưa thơm và cà chua cherry.
Với giống dưa lê Hàn Quốc, dưa vân lưới khi trồng trong nhà màng thời gian sinh trưởng ngắn, màu sắc quả, hình dáng quả cân đối và đẹp hơn. Với đối chứng ngoài thực địa, cây dưa lê Hàn Quốc, dưa vân lưới chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện ngoại cảnh, rất khó điều khiển quá trình sinh trưởng của cây, khó tác động các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng quả. Mặt khác khi trồng ngoài thực địa, thời tiết nóng ẩm, nắng nóng xen kẽ với các đợt mưa kéo dài làm cây bị nhiễm các bệnh phấn trắng, héo xanh vi khuẩn, héo xanh do nấm Fusarium tồn tại trong đất khi gặp điều kiện bất thuận cho cây trồng chúng dễ dàng phát sinh phát triển xâm nhập vào cây trồng... từ đó gây suy giảm và thất thu năng suất.
Với dưa thơm trồng trong nhà màng thời gian sinh trưởng dài hơn so với mô hình đối chứng ngoài thực đia 16 ngày, hàm lượng đường tổng số và chất khô tích lũy của dưa thơm trong nhà màng (14,1g/100g và 12,8) thấp hơn so với đối chứng ngoài đồng ruộng (17,38g/100g và 13,2%), tuy nhiên màu sắc hình dáng mã quả đẹp hơn so với đối chứng ngoài đồng ruộng. Mô hình trồng dưa thơm đối chứng trồng ngoài đồng ruộng bị nhiễm các loại bệnh sương mai, héo rũ do nấm Fusarium, và vi khuẩn raltonia Solanacearum… . Mô hình trồng trong nhà màng với dưa thơm có tỷ lệ nhiễm khảm lá virus 3%, mô hình trồng đối chứng ngoài đồng ruộng tỷ lệ nhiễm khảm lá virus 25%, và 40% bị sương mai, 70% bị héo xanh vi khuẩn.
Với mô hình trồng cà chua cherry ngoài đồng ruộng, cây sinh trưởng phát triển mạnh tỷ lệ đậu quả rất cao, tỷ lệ đậu quả trên 1 chùm hoa đạt 90-100%. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm bệnh xoăn vàng ngọn do virus chiếm tỷ lệ 10%, héo xanh vi khuẩn 30%, mốc sương 40%. Mô hình trồng trong nhà màng cải tiến lại miễn nhiễm với vi khuẩn héo xanh. Kết quả phân tích chất lượng quả cà chua trong nhà màng và đối chứng ngoài đồng ruộng cho thấy hàm lượng đường tổng số/axit hữu cơ trong quả cà chua nhà màng cao hơn hẳn so với đối chứng ngoài đồng (3,01/131,5 và 2,73/145,9), hàm lượng chất khô tích lũy của mẫu quả trong nhà màng cũng cao hơn mẫu quả đối chứng ngoài đồng ruộng.
Hạch toán kinh tế khi sản xuất các giống rau quả khi trồng trong nhà màng cải tiến đều cho năng suất cao hơn so với các mô hình trồng đối chứng ngoài đồng ruộng, với năng suất lần lượt: dưa lê Hàn Quốc năng suất 540kg, thu lợi nhuận 20,6 triệu đồng/vụ; dưa vân lưới cho năng suất 810kg lợi nhuận thu về 15, 2 triệu đồng/vụ; dưa thơm trong nhà màng cải tiến là 585kg, lãi xuất 4,4 triệu đồng/vụ; cà chua cherry dự kiến thu được 1.200kg quả, lợi nhuận khi đầu tư sản xuất trong nhà màng là 33,9 triệu đồng/vụ.
Đối với 3 loại dưa: dưa lê Hàn Ọuốc, dưa Vân lưới và dưa thơm do đây là các đối tượng cây trồng thuộc họ bầu bí có hoa đơn tính cùng gốc, quá trình thụ phấn thụ tinh của hoa để hình thành quả trong tự nhiên được thực hiện nhờ côn trùng, khi trồng trong nhà màng bắt buộc phải tiến hành thụ phấn cho cây. Tại các trang trại lớn quá trình này được thực hiện nhờ kết hợp với việc đặt các đó ong và quá trình thụ phấn được thực hiện nhờ ong. Tuy nhiên, do quy mô của đề tài chỉ xây dựng mô hình trong nhà màng cải tiến diện tích chỉ có 261 m2, do đó toàn bộ việc thụ phấn phải tiến hành bằng tay do đó tốn nhiêu công lao động hơn so với mô hình trồng đối chứng ngoài đồng ruộng.
Qua kết quả nghiên cứu, tham khảo các nghiên cứu cũng như ứng dụng của các doanh nghiệp đã làm trong các năm gần đây cho thấy sản xuất rau qua trong nhà màng cải tiến mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội rất tích cực. Để có thể nhân rộng kết quả và mở rộng mô hình vào sản xuất cần tuyên truyền mở rộng mô hình xây dựng nhà màng có ứng dụng công nghệ kiểm soát khí hậu và công nghệ tưới, cung cấp chất dinh dưỡng tự động ra sản xuất; xây dựng logo nhận diện thương hiệu sản phẩm được sản xuất trong nhà màng theo quy trình sản xuất sạch, có dán tem nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn sâu về dinh dưỡng cây trồng sẵn sàng tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị có nhu cầu ứng dụng công nghệ vào sản xuất; phối kết hợp với các đơn vị thu mua và phân phối các sản phẩm nông sản sạch, an toàn để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, để các sản phẩm nông nghiệp sản xuất trong nhà màng mang tính ổn định, bền vững.
Sản xuất rau quả trong nhà màng cải tiến đã góp phần giải quyết những bức xúc hiện nay trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư các loại hóa chất trên sản phẩm, giảm được dịch bệnh trên cây trồng, mẫu mã quả được cải thiện, qua đó sẽ nâng cao được giá trị cũng như hiệu quả của sản xuất trong nhà mang cải tiến, tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng, khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất.