Hồng không hạt Bắc Kạn vừa giòn vừa ngọt, không chát, giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, cây trồng đã nhiều năm nên có biểu hiện già cỗi, giảm năng suất, chất lượng, lại thiếu các biện pháp thâm canh và quản lý dịch hại.
Trước thực tế đó, từ năm 2012, dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển giống hồng không hạt đặc sản tại tỉnh Bắc Kạn” đã được UBND tỉnh Bắc Kạn phê duyệt.
Để triển khai dự án này, các cán bộ kỹ thuật đã tiến hành điều tra, tuyển chọn được 329 cây hồng không hạt ưu tú bên cạnh 44 cây đầu dòng đã được công nhận để khai thác mắt ghép. Qua đăng ký nhu cầu và khả năng tự sản xuất cây giống của các địa phương, dự án đề ra mục tiêu sản xuất được khoảng 170.000 cây hồng giống bằng phương pháp ghép, tương đương với diện tích trồng 425ha.
Tính đến nay, số cây giống được đưa vào trồng tương đương với diện tích là 225ha. Riêng vụ thu năm 2015, dự án cung cấp được giống hồng cho diện tích 73,1ha theo đăng ký của dân. Theo đại diện dự án, nhu cầu đăng ký giống của bà con nông dân hiện vẫn còn thấp so với thực tế khả năng cung cấp của dự án.
Tuy nhiên, với sự đón nhận của thị trường đối với đặc sản hồng không hạt Bắc Kạn, nhu cầu đăng ký giống được dự đoán sẽ tăng lên.
Hồng không hạt Bắc Kạn là một trong những sản phẩm đặc sản có thế mạnh của tỉnh, đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2010. Năm 2013, sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn cũng được cấp chứng thư thẩm định đạt top 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng. Sự công nhận này giúp sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn ngày càng được người tiêu dùng đón nhận.
Với mức thu mua ổn định và giá bán tại vườn từ 20.000-22.000 đồng/kg, giá bán tại chợ dao động từ 25.000-35.000 đồng/kg, giúp nhiều hộ dân tại địa phương đã xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ngày càng vững vàng hơn.
Nhiều năm nay, Bắc Kạn là địa điểm thu mua hồng quen thuộc của các thương lái từ Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định. Có ngày, các đầu mối mua được hơn 1 tấn, thậm chí 2 tấn quả. Khoảng 80% số lượng hồng của người dân được thương lái vào mua tận vườn. Để tận dụng lợi thế, tỉnh đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng loại cây đặc sản này.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn, sau 3 năm triển khai, dự án đã xây dựng 2ha mô hình thâm canh và mở rộng 30ha mô hình trồng mới. Đây chính là nguồn gene quý để nhân giống hồng cung cấp cho các dự án tại địa phương, mở rộng diện tích trồng theo chủ trương của tỉnh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, tính đến hết năm 2014, diện tích cây hồng không hạt của toàn tỉnh là 803ha; năm 2015 trồng thêm 150ha. Ngoài các huyện vùng dự án, còn nhiều địa phương khác cũng lồng ghép hỗ trợ giống cây hồng cho người dân phát triển kinh tế. Do vậy đến hết năm 2015, ngành nông nghiệp ước tính tổng diện tích hồng không hạt toàn tỉnh có thể đạt mức 1.000ha. |