Thử nghiệm tại Đắk Lắk và Gia Lai cho thấy, các chế phẩm này giúp cây cà phê và cây hồ tiêu tăng năng suất đến 33% so với đối chứng.

Tại hội thảo “Công nghệ chiết xuất và sản xuất chế phẩm sinh học Bacte Cisa từ vỏ quế phòng trừ tuyến trùng, nấm bệnh cho rau củ quả, cây ăn trái", do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức ngày 20/11, ông Hồ Phúc Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quốc tế TipTo Mã Lai, cho biết, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ở một số cây trồng không những không đem lại hiệu quả cao mà còn làm chất lượng nông sản đi xuống, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, từ năm 2012, ông Nguyên đã cùng cộng sự nghiên cứu giải pháp phòng trừ sâu bệnh sinh học an toàn cho cây trồng dựa trên chitosan từ vỏ tôm, một polymer sinh học có khả năng tạo màng bao bên ngoài, và vỏ quế.

N
Nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học. Ảnh: NNC

Cụ thể, vỏ quế khô được làm sạch, ngâm với dung môi methanol, kết hợp máy khuấy trong 3 – 5 ngày. Sau đó tách methanol ra khỏi dung dịch vỏ quế bằng máy chưng cất chân không ở nhiệt độ 45 – 50oC, thu cao chiết vỏ quế. Cao chiết này được chiết xuất để thu hoạt chất Cinnamyl acetate.

Chitosan cũng được nhóm chiết tách từ vỏ tôm, không nhiễm khuẩn và bảo đảm độ an toàn chung.

Kết hợp hai hợp chất Chitosan và Cinnamyl acetate, nhóm tạo ra chế phẩm sinh học Bacte, có thể diệt 98% lượng tuyến trùng sau 90 phút và diệt 82 - 87% nấm bệnh rễ đất sau ba giờ sử dụng.

Tuyến trùng gây hại cho cây trồng bằng cách chích hút rễ, gây tổn thương và làm giảm khả năng hấp thụ nước và dinh dưỡng, làm cho cây còi cọc, chậm lớn, lá vàng úa và rụng sớm. Trong khi đó, nấm có thể gây bệnh thối rễ, thối gốc, héo vàng, mốc xám, thán thư,… Cả hai đều dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm giảm đáng kể.

Từ kết quả nghiên cứu nói trên, hiện Công ty đã phát triển hơn 20 sản phẩm Bacte sử dụng cho cây sầu riêng và một số loại cây khác như hồ tiêu, khoai lang, cà chua, hành, tỏi, cam, quýt,…

Theo ông Nguyên, chi phí sản xuất chế phẩm sinh học Bacte chỉ bằng 30 - 40% so với thuốc hóa học.

S
Sử dụng chế phẩm trên cây hồ tiêu. Ảnh: NNC

Ông Nguyên cho biết thêm, trước đó, Công ty đã được Bộ KH&CN cấp kinh phí thực hiện đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu tách chiết hoạt chất Cinnamyl acetate tạo chế phẩm sinh học Bacte phòng trừ hiệu quả tuyến trùng và nấm bệnh chính gây hại rễ cây cà phê và hồ tiêu tại Tây Nguyên” (thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2020). Thử nghiệm tại Đắk Lắk và Gia Lai cho thấy, năng suất của vườn cà phê sử dụng chế phẩm phòng trừ tuyến trùng đạt năng suất cao hơn so với đối chứng (không sử dụng chế phẩm) 25,4 - 31,4%; trong khi chế phẩm phòng trừ nấm bệnh giúp năng suất tăng 21,2 - 33,6% so với đối chứng. Đối với cây hồ tiêu, các con số này lần lượt là 22,3 - 22,5% và 21,5 - 24,6%.

Sản phẩm Bacte đã được Công ty đăng ký giải pháp hữu ích và sáng chế với Cục Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, sản phẩm được kiểm định tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, không độc hại và gây kích ứng da khi dính thuốc.

Công ty bày tỏ mong muốn hợp tác, chuyển giao kết quả nghiên cứu với các đơn vị để phân phối và sản xuất các sản phẩm.