Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết đã xây dựng được quy trình sản xuất giấy, sợi và phân bón v.v từ lá và thân chuối.
Với diện tích trồng đạt hơn 200 ngàn ha, chuối hiện chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái của Việt Nam, sản lượng ước tính 2 triệu tấn/năm. Cây chuối chủ yếu được trồng để lấy quả, một số ít tận dụng lá khô, lá tươi, hoa tươi để bán với giá trị thấp, thân chuối gần gần như bị chặt bỏ hoặc được dùng để làm thức ăn cho vật nuôi.
Trước sự lãng phí đó, nhóm tác giả ở Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường TPHCM đã nghiên cứu quy trình xử lý phế phẩm từ cây chuối thành các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tại sự kiện Hợp tác công nghệ với chủ đề “Quy trình xử lý phế phẩm từ cây chuối thành sản phẩm thân thiện với môi trường”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức ngày 13/11, TS Trần Thanh Tâm, Phó Trưởng phòng KH&CN, Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, nhóm nghiên cứu mà ông là thành viên đã xây dựng được quy trình sản xuất giấy từ lá chuối; và sợi chuối, dịch chuối từ thân cây. Đồng thời, nhóm chế tạo một số loại máy như máy xay lá chuối, máy tước sợi chuối, máy ép định hình tấm chuối.
Trong quy trình xử lý lá chuối, lá tươi được cắt nhỏ, cho vào máy xay để tách sợi và bã chuối ra. Bã và sợi được xử lý với NaOH 5%, sau đó làm khô và ép định hình thành các tấm giấy chuối, để từ đó làm ra các sản phẩm dùng một lần như ly, muỗng, tấm lót, ống hút, hộp,… Các sản phẩm dùng một lần này có thể được thu gom, ủ với vi sinh, tạo thành phân bón cho cây trồng. Ông Tâm cho biết, sản phẩm giấy do nhóm tạo ra có khả năng kết dính hữu cơ, không gây độc hại cho người sử dụng và môi trường.
Trong quy trình xử lý sợi chuối, thân chuối được tách từng bẹ riêng, sau đó đưa vào máy tuốt sợi. Quá trình này cho ra ba sản phẩm là sợi chuối, dịch chuối và bã chuối. Sợi chuối dùng làm nguyên liệu để sản xuất vải, thảm, rèm, túi xách, bao bì, đồ nội thất, đồ thủ công,… Theo nhóm nghiên cứu, sợi chuối từ thân cây chuối có độ bền, đàn hồi và khả năng phân hủy sinh học cao do chứa các thành phần như cellulose (60-65%), hemicellulose (15-20%), lignin (10-15%),…
Với dịch chuối và bã chuối từ quy trình xử lý sợi chuối, nhóm ủ lên men bằng một số chủng vi sinh bản địa… để tăng chất dinh dưỡng, thích hợp làm phân bón cho cây trồng và giúp duy trì sự màu mỡ cũng như sức khỏe của đất.
Nhóm nghiên cứu bày tỏ mong muốn hợp tác cùng các đơn vị, doanh nghiệp để đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất.