Một nghiên cứu gần đây, do nhà khoa học người Đức Hanna Höffner của Đại học Cologne và Vườn thú Cologne, cho thấy hơn một phần ba trong số 329 loài động vật có vú của Việt Nam đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Dơi mũi ống Đà Lạt trên tem thư, loài đặc biệt nguy cấp vì không có ở bất cứ khu bảo tồn nào.
Dơi mũi ống Đà Lạt trên tem thư, loài đặc biệt nguy cấp vì không có ở bất cứ khu bảo tồn nào.

Kết quả này, được công bố trên tạp chí Nature Conservation, cho thấy 112 loài động vật có vú ở Việt Nam đang bị đe dọa cơ tuyệt chủng, mặc dù hầu hết các loài vẫn được tìm thấy ở ít nhất một khu bảo tồn. Một số loài đặc hữu nhỏ, chẳng hạn như Murina harpioloides (còn gọi là dơi mũi ống Đà Lạt), đặc biệt dễ bị tổn thương vì không có ở bất cứ khu bảo tồn nào.

Khoảng 40% các loài bị đe dọa không được bảo vệ trong chương trình bảo tồn ngoại vi (ex situ conservatoin – bảo tồn các loài bên ngoài môi trường bản địa của của động vật, trong môi trường do con người kiểm soát) càng làm tăng nguy cơ tuyệt chủng.

Các loài mang tính biểu tượng như Sao la (Pseudoryx vuquangensis), Cheo cheo Việt Nam (Tragulus versicolor) và Mang Vũ Quang (Muntiacus vuquangensis) nằm trong số các loài cực kỳ nguy cấp.

Nghiên cứu kêu gọi kết hợp các chuyên môn khác nhau và các chiến lược quản lý tích hợp tại chỗ và ngoại vi. Các đàn được bảo vệ trong vườn thú và tăng cường kết nối giữa các khu bảo tồn biệt lập sẽ giúp bảo vệ các loài động vật có vú độc đáo của Việt Nam.

Việt Nam có nhiều loài động vật có vú đặc hữu, bao gồm 36 loài đặc hữu và chín loài đặc hữu địa phương. Hệ động vật linh trưởng của Việt Nam đặc biệt đáng chú ý, có số lượng cao nhất ở Đông Nam Á lục địa, với 28 loài. Miền Bắc và dãy Trường Sơn là những điểm nóng về đa dạng sinh học, là nơi sinh sống của các loài như vượn mào đen phương Đông cực kỳ nguy cấp (Nomascus nasutus), vượn má trắng phương Nam (Nomascus siki) và voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus).

___________________

Tài liệu tham khảo:

Hanna Höffner et al, Conservation priorities for threatened mammals of Vietnam: Implementation of the IUCN´s One Plan Approach, Nature Conservation (2024). DOI: 10.3897/natureconservation.56.128129

Tin đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)