Ngày 12/11, Đại sứ quán Pháp, Viện Pháp tại Hà Nội và BK Holdings đã tổ chức tọa đàm “Đổi mới sáng tạo trong Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội bứt phát cho Việt Nam?” nhằm thảo luận và đưa ra những ý tưởng hợp tác mới giữa Pháp và Việt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Tại đây, ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) đã có bài trình bày về cơ hội và thách thức đối với việc phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam.

Đại sứ Pháp phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Diễm Quỳnh

Theo đó, ông nhận định, một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam là đang ở trong giai đoạn vàng của dân số ngay trong chính khoảng thời gian bùng nổ công nghệ với 75% dân số trong độ tuổi lao động và 70% trong số đó ở độ tuổi dưới 35, thuận lợi cho việc học hỏi và tiếp thu, phát triển các vấn đề công nghệ mới. Bên cạnh đó, nền kinh tế số đang phát triển nhanh với tỷ lệ người sử dụng internet thuộc nhóm cao nhất thế giới. Những chính sách về chuyển đổi số cả trong doanh nghiệp và chính phủ được ban hành sớm từ những năm 2010 là một điểm cộng nữa cho môi trường đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Đến năm 2030, các công nghệ số, bao gồm AI, được dự báo sẽ chiếm khoảng 27% GDP của Việt Nam. Lượng startup về AI tại Việt Nam hiện đang đứng thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore, cao hơn Indonesia và vượt xa Malaysia và Thái Lan.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức khinền kinh tế số với AI là công nghệ quan trọng ngày càng phát triển. Thách thức lớn nhất chính là một số ngành như quảng cáo, kiến trúc, âm nhạc… có thể biến mất hoặc suy giảm mạnh do người dùng có xu hướng sử dụng AI để tự túc việc tạo ra sản phẩm thay vì thuê ngoài các đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo, thiết kế, sáng tác… Tiếp đến là sự gia tăng căng thẳng trong cạnh tranh về công nghệ thông tin truyền thông giữa các doanh nghiệp, tạo nên sức ép đổi mới mỗi ngày.

Các dữ liệu trong bài phát biểu của diễn giả là kết quả từ nghiên cứu do NIC phối hợp với Google thực hiện.

Với những lợi thế và thách thức như nêu trên, các diễn giả nhận định có một số phương hướng để thúc đẩy hợp tác về trí tuệ nhân tạo giữa Pháp và Việt Nam. Trong đó, yếu tố nhân lực được kỳ vọng trở thành phương hướng hợp tác mới do Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, sẵn sàng tiếp thu công nghệ mới; còn Pháp có lợi thế về nghiên cứu khoa học cơ bản, đặc biệt là toán học, với số lượng nhà toán học nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới.

Hội thảo còn có phần trình bày về “Vai trò của Chính phủ trong Phát triển Trí tuệ nhân tạo” của bà Asma Mhalla - nhà nghiên cứu, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo người Pháp.

Tọa đàm “Đổi mới sáng tạo trong Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội bứt phát cho Việt Nam?” nằm trong chuỗi sự kiện Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ được tổ chức tại Hà Nội và TPHCM, trong đó có hội thảo “AI, công nghệ mới: cạnh tranh giữa các cường quốc” (Hà Nội, 13/11); tọa đàm “AI trong xã hội: Định hướng Big Tech, đạo đức, quy định và quản trị” (TPHCM, 14/11); tọa đàm “AI: những thách thức mới, cơ hội và mối đe dọa” (TPHCM, 15/11) nhằm mục tiêu trao đổi tri thức, bài học thực tiễn về Đổi mới sáng tạo trong Trí tuệ nhân tạo giữa Pháp và Việt Nam.

Loạt sự kiện này diễn ra trong bối cảnh ngày 7/10 mới đây, Việt Nam và Pháp đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức chiến lược, đưa Pháp thành nước đầu tiên trong Liên minh Châu Âu có tầm mức quan hệ này với Việt Nam.



Bài đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)