Dây chuyền do nhóm tác giả Trường Đại học Nông lâm TPHCM nghiên cứu, chế tạo, tận dụng được hết phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian và sức lao động cho người chăn nuôi.
Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Long có hơn 100 nghìn con bò, tập trung ở huyện Vũng Liêm, Bình Tân. Phụ phẩm từ nông nghiệp như dây khoai lang, bắp, cỏ voi, rơm tươi… là nguồn thức ăn để chăn nuôi trâu, bò.
Thông thường, người chăn nuôi gom cỏ, cây bắp, dây khoai lang, sau đó đem tất cả băm nhỏ thủ công và ủ chua rồi mới cho bò ăn. Đối với cây bắp phải chặt từng đoạn, chỉ chọn lá thân mềm (chiếm khoảng 40%), còn lại phần thân cứng bị loại bỏ - đây cũng là công đoạn lấy mất nhiều thời gian và công sức của người chăn nuôi.
Trước thực tế này, Sở KH&CN Vĩnh Long đã đặt hàng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo dây chuyền tự động hóa chế biến thức ăn gia súc nhai lại từ cây khoai lang trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long”.
Kết quả, nhóm đã nghiên cứu, chế tạo hệ thống dây chuyền chế biến thức ăn gia súc gồm các bộ phận nạp nguyên liệu, băm thái nguyên liệu; phối trộn; ép, cân, đóng bao;… Trong đó, bộ phận nạp, cắt thái có băng chuyền hoạt động với vận tốc 15-20m/phút. Nguyên liệu qua băng tải chạy vào máy băm, sau đó được chuyển qua máy trộn, có thể thêm một số thành phần như khoáng chất, vitamin, cám gạo, rỉ đường… nhằm ủ chua và bổ sung dinh dưỡng cho thức ăn gia súc. Máy có thể phối trộn đồng thời năm loại nguyên liệu bổ sung cả dạng rời và lỏng, ngoài dây khoai lang.
Thức ăn sau khi phối trộn được chuyển qua máy cân định lượng và đóng bao, hút chân không. Dây chuyền được điều khiển tự động, thông qua PLC (thiết bị điều khiển các hệ thống sản xuất, cơ khí, quy trình tự động hóa), kết nối với màn hình hiển thị HMI (thiết bị giao diện người - máy, giúp kết nối giữa người vận hành và hệ thống điều khiển tự động hóa).
Theo một số hộ dân chăn nuôi bò, hệ thống chỉ mất khoảng hơn 10 phút để cắt nhỏ 100kg thức ăn, thay vì trước đây phải băm thủ công bằng tay mất 1-2 giờ. Ngoài ra, chặt cây bắp bằng tay ra từng đoạn, chỉ chọn lá thân mềm, thì phải bỏ 60% phần thân cứng. Trong khi đó, dùng máy chế biến thức ăn thì tận dụng được hết phụ phẩm, do phần cứng của cây đã được máy băm nhỏ. Thức ăn sau khi nghiền còn có thể bảo quản trong ba tháng, cho phép người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn cho gia súc khi trời mưa. Không chỉ khoai lang, máy có thể chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp khác như bắp, cỏ voi, rơm tươi,…
Theo nhóm nghiên cứu, dây chuyền thiết bị có công suất 500kg/giờ, tự động hoàn toàn, vận hành dễ dàng, có thể chuyển giao cho người dân hoặc doanh nghiệp. Nếu đầu tư dây chuyền cùng các chi chi phí khác để duy trì hoạt động (khoảng 450 triệu đồng) thì sau 2,5 năm sẽ hoàn vốn và sinh lời.
Đề tài của nhóm đã được Sở KH&CN Vĩnh Long nghiệm thu, kết quả đạt.
Đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)