Người Neanderthal và người Homo sapiens đã bắt đầu chôn cất người mất gần như vào cùng thời điểm và địa điểm. Ngày nay, một số nhà khảo cổ cho rằng cạnh tranh lãnh thổ có thể đã góp phần hình thành tập tục mai táng.

Trong thời kỳ Đồ đá, phần lớn người du mục không có nhiều cách để đánh dấu giới hạn lãnh thổ của mình. Một nghiên cứu mới về các ngôi mộ cổ ở vùng Levant (một khu vực ở Trung Đông) cho thấy người chết có thể đã được dùng làm văn tự điền sản ở thời Đồ đá cũ, phân biệt người Neanderthal với người Homo sapiens.

“Sự đổi mới trong cách chôn cất thực sự bắt đầu ở Levant”, theo Omry Barzilai, nhà khảo cổ học tại Đại học Haifa ở Israel.

Barzilaicùng người đồng nghiệp Ella Been – nhà vật lý trị liệu kiêm cổ nhân chủng học tại Đại học Tel Aviv, đã so sánh các ngôi mộ của người Neanderthal và Homo sapiens được chôn cất trên khắp vùng Levant – bao gồm phần lớn Syria, Lebanon, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine ngày nay. Mới đây, họ đã đăng các kết quả tìm được trên tạp chí L’Anthropologie, bài báo gợi ý rằng hai chủng người cổ xưa này có cùng chung tập tục mai táng người quá cố.

Trong ngôi mộ có gì?

Khi kiểm tra các ngôi mộ của người hominin cổ xưa, các nhà nghiên cứu luôn băn khoăn là hài cốt của người nguyên thủy cùng họ hàng của họ được chôn cất có chủ ý hay là do quá trình tự nhiên nào đó? Các nhà nhân chủng học đã tranh cãi về việc liệu người Neanderthal có cố tình chôn cất người mất hay không kể từ khi một nhóm tìm thấy nhiều cụm phấn hoa cổ xung quanh hài cốt ở hang Shanidar ở Iraq trong những năm 1950 và 1960 - một số người tin rằng đây là “ngôi mộ hoa”.

Cuộc khai quật một ngôi mộ đôi tại Hang Raqefet, Núi Carmel, Israel, đã phát hiện hài cốt có niên đại từ 11.700–13.700 năm trước, hài cốt được đặt trong một ngôi mộ lót đầy hoa. Nguồn: E. Gernstein/Dani Nadel/PNAS
Cuộc khai quật một ngôi mộ đôi tại Hang Raqefet, Núi Carmel, Israel, đã phát hiện hài cốt có niên đại từ 11.700–13.700 năm trước, hài cốt được đặt trong một ngôi mộ lót đầy hoa. Nguồn: E. Gernstein/Dani Nadel/PNAS

Barzilai và Beentrước đây từng làm việc cùng nhau trên một địa điểm của người Neanderthal mà họ khai quật được ở ‘Ein Qashish tại phía Bắc Israel, có niên đại khoảng 70.000 năm trước - ngôi mộ đầu tiên của người Neanderthal được phát hiện ở vùng đồng bằng rộng mở thay vì trong một hang động. Người Neanderthal và các loài người khác đã giao thoa với nhau tại vùng đất này từ gần 120.000 năm tới 50.000 năm trước, và trong giai đoạn đấy, cả hai bắt đầu chôn cất người đã khuất. Sau khi tìm hiểu kỹ các tài liệu, nhóm này phát hiện năm địa điểm mai táng của người Neaderthal và hai địa điểm mai táng của người Homo Sapiens trong khu vực này từ giai đoạn đó.

So sánh mộ của người Homo sapiens và người Neanderthal

Người Neanderthal hầu như luôn mai táng người chết trong hang động, trong khi người Homo sapiens trong giai đoạn này chôn cất người đã khuất trong hốc đá hoặc nền đất ở trước hang. Cả hai loài đều chôn cất phụ nữ, đàn ông và trẻ em, nhưng các nhà khảo cổ học chỉ khai quật được bằng chứng chôn chất trẻ sơ sinh ở người Neanderthal.

Người Homo sapiens chỉ được chôn cất trong tư thế nằm thẳng hoặc nằm nghiêng với đầu gối co lên ngực – tư thế giống bào thai. Còn ở người Neanderthal, ngoài tư thế này ra họ còn chôn người mất ở nhiều tư thế khác.

Cả hai loài đều đặt vào trong mộ những món đồ như sừng hay gạc của loài móng guốc, hoặc xương hàm của động vật. Tuy nhiên, người Neanderthal còn đặt một tảng đá vôi phẳng, đã sửa đổi gần hộp sọ như làm gối đầu, ngoài ra còn có các món đồ như mai rùa và đồ làm từ đá lửa.
Bia mộ hay dấu hiệu lãnh thổ?

Người Neanderthal và Homo sapiens đều sống bán du mục vào thời điểm đó, tuy nhiên họ vẫn có khả năng quay lại những hang động cũ theo mùa. Bởi vì các hang động ấy là những nơi trú ẩn quý giá, việc chôn chất người chết ở trong hang hoặc gần những nơi này có thể đóng vai trò như đánh dấu chủ quyền đối với một khu vực hoặc đánh dấu lãnh thổ, vì những người homini cạnh tranh giành tài nguyên và không gian. “Một cái hang là một món tài sản. Tại nơi các loài gặp gỡ và tương tác, họ đang xác định ranh giới”, Barzilaicho biết.

Nếu cả hai loài đều dùng mai táng làm hình thức đánh dấu, thì điều này có thể cho thấy họ đã trao đổi tập tục văn hóa với nhau, hay ít nhất họ hiểu giống nhau về ý nghĩa của ngôi mộ hoặc dấu mốc.

“Nhiều người cho rằng nhóm người làm nông nghiệp đã sử dụng mai táng để tuyên bố quyền sở hữu đất. Đó rõ ràng là cách để đánh dấu khu vực”, theo nhà khảo cổ học Graeme Barker ở Đại học Cambridge, không tham gia vào nghiên cứu này nhưng từng làm việc trong các cuộc khai quật tại hang Shanidar.

Ý tưởng những ngôi mộ này có thể dùng để đánh dấu lãnh thổ hoàn toàn khả thi, song ông Barker vẫn nghi ngại về lời giải thích như vậy.

Ai đã tạo ra tập tục mai táng?

Các ngôi mộ cổ xưa nhất trong bộ dữ liệu đã xuất hiện từ khoảng 120.000 năm trước – những ngôi mộ có thể sớm nhất từ cả hai hominin. Been và Barzilai cũng tin rằng chúng là những ngôi mộ đầu tiên của một truyền thống sau này đã lan tỏa ra khỏi vùng Levant, tới châu Phi và châu Âu. Tại những nơi này, các ngôi mộ được phát hiện cho tới nay đều có niên đại gần đây hơn. Ở châu Phi, ngôi mộ của người Homo sapiens cổ xưa nhất mà chúng ta biết tới có niên đại cách đây 78.000 năm, do một đứa trẻ tình cờ phát hiện ở hang Panga ya Saidi (Kenya). Trong khi đó, hầu hết các ngôi mộ ở châu Âu cách đây 60.000 năm hoặc ít hơn.

Toàn cảnh hang động Panga ya Saidi, châu Phi, nơi xuất hiện ngôi mộ của người Homo sapiens cổ xưa nhất mà chúng ta biết tới có niên đại cách đây 78.000 năm.
Toàn cảnh hang động Panga ya Saidi, châu Phi, nơi xuất hiện ngôi mộ của người Homo sapiens cổ xưa nhất mà chúng ta biết tới có niên đại cách đây 78.000 năm.

Nhóm tác giả khẳng định rằng sự cách tân của việc chôn cất thực sự bắt đầu ở vùng Levant. Họ cho rằng tập tục mai táng người chết theo nghi thức xuất hiện sau khi người Homo sapiens rời khỏi châu Phi, di chuyển lên phía Bắc, và lần đầu tiên tương tác với người Neanderthal từ châu Á và châu Âu. Barzilai nói thêm rằng khi người Neanderthal biến mất ở vùng Levant khoảng 50.000 năm trước, các ngôi mộ của người Homo sapiens cũng biến mất theo – như thể họ không còn cần lập ranh giới hay tuyên bố chủ quyền lãnh thổ khi cuộc cạnh tranh giữa họ kết thúc.

Ngoài ra, nhà khảo cổ Barker cũng bày tỏ thái độ thận trọng trước nghiên cứu mới của Been và Barzilai: “Bạn cần phải cẩn thận với việc vạch ra xu hướng từ hai hoặc ba điểm trên bản đồ lục địa”. Hoàn cảnh tử vong cũng có thể làm sai lệch kết quả. Hầu hết người homini du mục trong giai đoạn này có thể đã chết ngoài tự nhiên, và chỉ có một số ít chết trong hang động.

Nguồn:

nationalgeographic.com

Bài đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)