Với nguy cơ tuyệt chủng cao, voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới. Quần thể loài voọc này từng có số lượng lên tới vài trăm con, nhưng đã giảm xuống một con số đáng báo động - chỉ còn 40 cá thể vào năm 2004 và hiện nay còn dưới 100 con, do nạn săn bắt và mất môi trường sống.
Trước thực tế này, một nhóm nhà khoa học Đức, Việt Nam, Úc, Mỹ đã nghiên cứu lịch sử tiến hóa, tải lượng di truyền và tiềm năng thích nghi của voọc Cát Bà để phân tích hậu quả của sự suy giảm quần thể đối với sự đa dạng di truyền của một loài.
Cụ thể, sử dụng dữ liệu toàn bộ bộ gen có độ bao phủ cao của bốn cá thể voọc Cát Bà hoang dã, nhóm đã phát hiện, do sự suy giảm nghiêm trọng về quần thể, loài voọc này phải đối mặt với tình trạng đa dạng di truyền nghèo nàn, giao phối cận huyết cao và khả năng mắc bệnh cũng cao hơn.
Mặt khác, voọc Cát Bà vẫn giữ được vẫn giữ được những đặc điểm di truyền quan trọng, cho phép chúng tiếp tục thích nghi với các điều kiện môi trường thay đổi. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là khả năng uống nước mặn, kết quả của việc sống biệt lập trên đảo - nơi có rất ít nguồn nước ngọt. Theo các nhà nghiên cứu, những thay đổi ở một số gen nhất định có thể đã làm tăng khả năng chịu đựng nước mặn ở voọc Cát Bà. Những thích nghi di truyền này giúp voọc có thể đối phó với hàm lượng natri cao trong nước mặn và nhờ đó góp phần giúp chúng sinh tồn trong môi trường đặc biệt ở đảo.
“Có thể nói, voọc Cát Bà là loài ‘độc nhất vô nhị’ trong số các loài linh trưởng và thậm chí là trong số các loài voọc sống ở vùng núi đá vôi. Điều này càng làm nổi bật tầm quan trọng của việc phải bảo vệ loài cực kỳ nguy cấp này,” nhóm nghiên cứu viết trong bài báo.
Hiện nay, số lượng voọc Cát Bà đã phục hồi lên khoảng 85 cá thể nhưng vẫn nằm trong diện bị đe dọa tuyệt chủng, chủ yếu là do môi trường sống bị chia cắt, hoạt động du lịch không kiểm soát, cũng như tình trạng giao phối cận huyết ngày càng tăng. Những mối đe dọa này cho thấy cần mở rộng các biện pháp bảo tồn hiện có, đồng thời tăng cường các chương trình bảo tồn có mục tiêu để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của loài linh trưởng quý hiếm.
Kết quả nghiên cứu được trình bày trong bài báo "Genomic adaptation to small population size and saltwater consumption in the critically endangered Cat Ba langur" trên tạp chí Nature Communications.