Các CEO nữ ở Việt Nam ít bị chi phối bởi các mối đe dọa rập khuôn về giới, và nhờ đó họ hành động tự do hơn - theo một nghiên cứu trên tạp chí Finance Research Letters.


Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ có xu hướng ít chấp nhận rủi ro hơn so với nam giới khi ở vị trí lãnh đạo; tuy nhiên, các nghiên cứu này lại chưa quan tâm xem xét các yếu tố môi trường có thể thúc đẩy thái độ né tránh mạo hiểm của họ.

Bên cạnh đó, cũng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ có xu hướng giao dịch mạnh tay hơn và tham gia vào nhiều hoạt động đòi hỏi phải chấp nhận rủi ro hơn nam giới trong lĩnh vực tài chính, một trong những lĩnh vực do nam giới thống trị. Những phát hiện trái chiều về hành vi chấp nhận rủi ro của phụ nữ ngụ ý rằng giới tính sinh học có thể không đóng vai trò trong thái độ né tránh mạo hiểm của họ mà sự khác biệt có thể bắt nguồn từ các yếu tố bên ngoài như giáo dục và văn hóa.

Một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Viện Kinh tế Tài chính thuộc Đại học Quản lý Singapore và Trường Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Chung- Ang (Hàn Quốc) nhận thấy Việt Nam cung cấp một bối cảnh lý tưởng để xem xét ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến hành vi chấp nhận rủi ro của các CEO nữ.

Môi trường ảnh hưởng đến thái độ khi đối mặt với rủi ro trong đầu tư của các CEO nữ. Ảnh minh họa: diendandoanhnghiep.vn

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu về các doanh nghiệp Việt Nam có trên Cơ sở dữ liệu Thomson–Reuters Worldscope từ năm 2015 đến năm 2021và thông tin về các CEO trên website của doanh nghiệp. Phân loại nhà quản lý miền Bắc hay miền Nam sẽ dựa trên địa điểm đặt trụ sở chính.

Nhìn chung, kết quả cho thấy, các CEO nữ có xu hướng chấp nhận rủi ro nhiều hơn do họ ít bị chi phối bởi các mối đe dọa rập khuôn về giới, nhờ đó họ hành động tự do hơn.

Mối đe dọa rập khuôn về giới là một hiện tượng tâm lý xã hội, đề cập đến nguy cơ tuân theo những khuôn mẫu tiêu cực về giới, dẫn đến gánh nặng nhận thức và làm giảm sự tập trung cũng như năng suất trong công việc.

Nghiên cứu còn chỉ ra, ở miền Bắc, nơi quan điểm về giới cởi mở hơn, các CEO nữ thể hiện mức độ tự tin hơn cao hơn trong đầu tư với xu hướng đầu tư mạnh tay hơn so với các CEO nữ ở miền Nam.

Lý giải điều này, nghiên cứu cho rằng nguyên nhân nằm ở sự khác biệt về khuôn mẫu giới giữa hai miền do đất nước từng bị chia cắt một thời gian dài. Vào thời kỳ đó, hệ tư tưởng chính trị khác nhau dẫn đến sự khác biệt trong khuôn mẫu giới và tác động này kéo dài: miền Bắc xã hội chủ nghĩa thách thức các vai trò giới truyền thống, với việc phụ nữ tham gia chiến đấu và công tác ở mọi ngành nghề; trong khi các dấu hiệu tự do của miền Nam theo chế độ cộng hòa tập trung vào các chuẩn mực giới tính phương Tây như mặc váy ngắn và biết lái xe.

Phân tích bổ sung củng cố phát hiện chính rằng các CEO nữ ở miền Bắc có xu hướng chấp nhận nhiều rủi ro hơn, ngay cả khi phải đối mặt với sự biến động và bất ổn của thị trường, ví dụ như trong đại dịch COVID-19. Những hành vi chấp nhận rủi ro của họ không làm giảm giá trị mà ngược lại, có thể cải thiện hiệu suất của doanh nghiệp.

Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy hiệu ứng nhỏ giọt - nếu có người sáng lập hoặc nắm giữ chức vụ chủ tịch là nữ, doanh nghiệp đó nhiều khả năng có CEO cũng là nữ. Điều này được lý giải bằng kết quả từ các nghiên cứu trước đây, theo đó các nhà quản lý nữ có xu hướng tuyển dụng nhân viên nữ do tìm thấy sự tương đồng về mặt xã hội.

Từ những phát hiện chính, nghiên cứu đề xuất rằng các mối đe dọa rập khuôn là một yếu tố có thể gây áp lực, buộc các CEO nữ phải né tránh rủi ro. Đồng thời, nghiên cứu gợi ý rằng cần xem xét các yếu tố môi trường, chẳng hạn như định kiến giới, khi phân tích hiệu quả hoặc hành vi của các nhà lãnh đạo nữ.





Nguồn: