Mặc dù các tạp chí chỉ sử dụng tiếng Anh từ lâu đã chiếm ưu thế, nhưng tình hình đang thay đổi khi phần lớn các tạp chí đa ngôn ngữ được chỉ mục trong hai thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, các ngôn ngữ châu Âu chiếm đa số trong các tạp chí đa ngôn ngữ được Scopus chỉ mục so với các ngôn ngữ ngoài châu Âu. Ngoài ra, các tạp chí đa ngôn ngữ chủ yếu được xuất bản ở các quốc gia không sử dụng tiếng Anh, trừ Mỹ và Canada, nơi tiếng Pháp cũng được công nhận là ngôn ngữ chính thức.
Các tạp chí LIS đa ngôn ngữ được xuất bản tương đối đồng đều giữa các quốc gia phát triển (ví dụ như Ý và Tây Ban Nha) và các quốc gia đang phát triển (ví dụ như Brazil và Mexico), nhưng chỉ một số ít nước trên thế giới được đại diện trong các cơ sở dữ liệu như Scopus. Theo nghiên cứu, khoảng 27% tạp chí đa ngôn ngữ được xuất bản tại Tây Ban Nha và Brazil, hai nước được đánh giá là “thành công hơn trong việc vận hành các tạp chí LIS đa ngôn ngữ được chỉ mục trong Scopus so với một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc, khi ngôn ngữ của các quốc gia này (tiếng Việt, tiếng Thái và tiếng Hàn) không có mặt trong Scopus”.
Nghiên cứu cũng quan sát thấy các nhà xuất bản tạp chí đa ngôn ngữ thường thuộc các tổ chức thương mại, trường đại học và hội học thuật, nhưng đáng nói là lại thiếu vắng các nhà xuất bản thương mại lớn như Elsevier. Tác giả Eungi Kim nhận xét, một nguyên nhân khiến các nhà xuất bản lớn ngại tham gia lĩnh vực đa ngôn ngữ có thể do thị trường chưa có nhu cầu cao và khả năng mang lại lợi nhuận khiêm tốn.
TS. Savo Heleta, một nhà nghiên cứu và học giả về quốc tế hóa, nói rằng ông không ngạc nhiên trước những phát hiện của Eungi Kim và tin rằng các lĩnh vực khác ngoài LIS cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự, thậm chí tệ hơn.
Trong năm 2024, nhóm của TS. Heleta cũng đã tiến hành một nghiên cứu về tình trạng “thực dân hóa trắc lượng thư mục” ở Nam Phi và nhận thấy hai cơ sở dữ liệu Scopus và Web of Science chủ yếu bị “thống trị” bởi các tạp chí từ châu Âu và Mỹ và thiếu vắng tạp chí từ hầu hết các khu vực ở Nam Bán cầu (thuật ngữ thường được dùng để chỉ các quốc gia ở khu vực Mĩ La-tinh, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương).
Đồng tình với quan điểm của TS. Heleta, Angel Calderon, giám đốc nghiên cứu chiến lược tại Đại học RMIT, Úc, nói những phát hiện trong nghiên cứu của Eungi Kim nhấn mạnh thực tế rằng toàn bộ hệ sinh thái sản xuất tri thức (bao gồm cả xuất bản) “đặc biệt thiên lệch và bất công đối với các nhóm thiểu số, các nền kinh tế thu nhập thấp, và các quốc gia đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ”. Dù hoạt động xuất bản diễn ra trên toàn cầu, nhưng nó vẫn nghiêng hẳn về tiếng Anh, gây ra những tác động bất lợi đối với “chất lượng sản xuất tri thức; khả năng đổi mới, thúc đẩy sự hòa nhập và tiếp nhận rộng rãi hơn đối với những người không đọc hoặc viết bằng tiếng Anh.”
“Không có lý do gì để chấp nhận rằng các bài báo trên tạp chí đa ngôn ngữ kém cỏi hơn so với các ấn phẩm tiếng Anh,” ông nhấn mạnh. “Trên thực tế, nền tảng của khoa học hiện đại không hoàn toàn là của châu Âu. Nghiên cứu từ trước đến nay luôn dựa vào việc kết hợp những con người và ý tưởng từ các nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới.”
David Mills, giám đốc Trung tâm Giáo dục Đại học Toàn cầu, Đại học Oxford, Vương quốc Anh, ví von có một loại “thuế ngôn ngữ” mà hệ thống tri thức lấy tiếng Anh làm trung tâm đang áp lên các học giả làm việc bằng các ngôn ngữ khác. “Đây là loại thuế dẫn đến bị từ chối nhiều hơn, ít được hiển thị và trích dẫn hơn. Giống như địa lý và địa vị học thuật, việc sử dụng ngôn ngữ cũng là một trục bất bình đẳng và chia rẽ trong khoa học toàn cầu”, ông nói.
Tăng sự hiện diệnSáng kiến Helsinki về Đa ngôn ngữ trong Giao tiếp Học thuật đã nhấn mạnh nhu cầu cung cấp nghiên cứu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, các tạp chí đa ngôn ngữ thường gặp khó khăn trong việc được đọc và công nhận, khiến “ngôn ngữ, thay vì đem đến sự phong phú, có thể trở thành rào cản,” PGS. TS. Alexandre López-Borrull (Khoa Khoa học thông tin và Truyền thông, Đại học Mở Catalunya, Tây Ban Nha), nhận xét. Ngoài ra, còn những vấn đề nan giải khác như ai sẽ chịu chi phí dịch thuật một bài báo được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ; đó là chưa kể cộng đồng phản biện cho những bài báo khoa học không phải bằng tiếng Anh cũng hẹp hơn nhiều, khiến việc đảm bảo chất lượng bài báo trở nên khó khăn hơn.
Calderon gợi ý một cách để tăng khả năng hiện diện của các ấn phẩm đa ngôn ngữ là trường đại học ở các nước không nói tiếng Anh cung cấp ưu đãi cho các nhà nghiên cứu để họ xuất bản bằng các ngôn ngữ khác. Các bảng xếp hạng đại học cũng có thể xem xét bổ sung tiêu chí đồng xuất bản bằng các ngôn ngữ ngoài tiếng Anh vào nhóm tiêu chí đánh giá mức độ quốc tế hóa. Bằng cách này, các nhà nghiên cứu từ các quốc gia nói tiếng Anh có thể hợp tác với các nhà nghiên cứu viết bằng tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hoặc bất kỳ ngôn ngữ nào, và kết quả là “khoa học hiện đại sẽ hưởng lợi lớn từ việc đồng sáng tạo tri thức và giao thoa ý tưởng để giải quyết các thách thức của xã hội”, ông nói.
GS. Atta-ur-Rahman, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Pakistan, cho biết các tạp chí nên hành động có chiến lược, bắt đầu từ việc nới rộng các hướng dẫn nộp bài hoặc thiết lập các chuyên mục đa ngôn ngữ trong các tạp chí, cùng với việc đầu tư vào dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp, hoặc hợp tác với các công ty dịch thuật để cung cấp mức giá ưu đãi. Một ví dụ tốt để học hỏi là nhà xuất bản Bentham Science chuyên dịch bản tóm tắt bài báo trong các tạp chí khoa học tiếng Anh sang tiếng Trung. “Những bản tóm tắt song ngữ bằng cả ngôn ngữ gốc và một ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi như tiếng Anh có thể mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận, đồng thời tôn trọng sự đa dạng ngôn ngữ,” GS. Atta-ur-Rahman giải thích.
Theo ông, ban biên tập của các tạp chí cũng cần được đa dạng hóa để bao gồm các chuyên gia đa ngôn ngữ, có như vậy mới bảo đảm xử lý được nhiều bài viết hơn mà vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng.