Một trong những câu đố lớn nhất trong thế kỷ 20 là tìm ra "mắt xích còn thiếu", một sinh thể kết nối con người với các tổ tiên tiền sử của họ. Và cuộc truy tìm lời giải cho câu đố đã đi đến hồi kết nhờ giáo sư Raymond Dart. Tuy có đóng góp quan trọng như vậy, song Dart đã phải chịu sự bất công do chủ nghĩa phân biệt chủng tộc khoa học gây ra.

Câu chuyện bắt đầu với món vật kỳ lạ trưng bày trên bệ lò sưởi: một hộp sọ hóa thạch của một loài linh trưởng. Món đồ trang trí này hóa ra lại là chìa khóa làm sáng tỏ câu chuyện tiến hóa của nhân loại, nó mang lại những manh mối đầu tiên về địa điểm và cách thức tiến hóa của con người chúng ta.

Đó là vào những năm 1920, các nhà khoa học đang ráo riết tìm kiếm các hóa thạch của tổ tiên loài người. Câu hỏi về nơi con người tiến hóa vẫn còn để ngỏ. Tuy Charles Darwin đã tuyên bố nơi đó có thể là châu Phi, song vào thời điểm ấy hầu hết mọi người chỉ chú ý tới châu Âu và châu Á.

Sinh viên giải phẫu học Nam Phi Josphine Salmons đã chú ý thấy chiếc hộp sọ lạ kỳ tại nhà một người bạn vào năm 1924. Cô đã đem hộp sọ tới cho Raymond Dart, giáo sư của mình tại Đại học Witwatersrand (Johannesburg). Giáo sư Dart thường khuyến khích sinh viên mang tới cho ông bất kỳ hóa thạch thú vị nào.

Mối quan tâm của Dart với hóa thạch bắt nguồn từ thời gian ông làm việc với các nhà giải phẫu học nghiên cứu hóa thạch tổ tiên của con người khi học tập ở trường Đại học London. Sau khi chuyển tới Nam Phi vào đầu năm 1923 với tư cách là giáo sư giải phẫu, ông vẫn giữ mối quan tâm và muốn lập bộ sưu tập hóa thạch trong trường. Ông đặc biệt hứng thú với chiếc hộp sọ linh trưởng được sinh viên tặng vì nơi tìm thấy nó: một khu mỏ gần làng Taungs ở Nam Phi.

Dart cho rằng sự hiện diện của một người họ hàng ở Nam Phi đồng nghĩa “câu chuyện tương đối hoàn chỉnh” về quá trình tiến hóa của linh trưởng “vẫn có thể tìm thấy từ những tảng đá của chúng ta”. Tò mò không biết tại làng Taungs còn xuất hiện hóa thạch thú vị nào khác hay không, Dart nhờ người quản lý mỏ thu thập thêm mẫu vật. May mắn thay, trong vòng vài tuần, những người thợ mỏ đã tình cờ tìm thấy thêm chiếc sọ khác, và nó nhanh chóng được chuyển tới tay Dart.

Em bé Taung

Một phần của chiếc sọ này được bao bọc trong đá vôi, nhưng Dart đã cẩn thận tách nó ra bằng các que đan sắc nhọn của vợ. Thành phẩm là một hộp sọ trông cực kỳ giống người. Đó là khuôn mặt và hàm hoàn chỉnh của một đứa trẻ, với khoang não có phần khuôn tự nhiên từ đá. Bản sao của bộ não lớn gấp ba lần não của khỉ đầu chó và lớn hơn đáng kể so với não của tinh tinh trưởng thành. Dart có thể nhìn thấy rõ nếp gấp, rãnh não và các mạch máu của hộp sọ.

Nó không đủ lớn đối với người nguyên thủy, nhưng ngay cả với một con vượn thì nó cũng quá to và quan trọng nhất là não trước rất lớn, đã phát triển quá xa về phía sau đến mức nó che phủ hoàn toàn não sau.

Hóa thạch được tìm thấy được đặt tên là Em bé Taung, theo tên ngôi làng gần đó. Nó có một số đặc điểm gợi ý đây là tổ tiên loài người. Dart lưu ý rằng phần trán “nhô lên đều đặn” từ hốc mắt theo “cách giống người đáng kinh ngạc”. Và một chiếc răng nanh gắn trên một hàm răng mảnh. Dart cho rằng sự hiện diện của Em bé Taung ủng hộ ý tưởng không được người đương thời chú ý, rằng châu Phi là “cái nôi” của nhân loại.

Tuy giới khoa học đã chấp nhận thuyết tiến hóa trong những năm 1920, thế nhưng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc khoa học đã ngăn giả thuyết của Darwin về nguồn gốc châu Phi của loài người trở nên phổ biến. “Suy nghĩ chung của thời đó là châu Phi có phần lạc hậu”, nhà nhân chủng học Keneiloe Molopyane giải thích. “Vì thế, sao bạn lại đi tìm nguồn gốc của con người ở một nơi như thế chứ?

Khi công bố hóa thạch này trên tạp chí Nature vào đầu năm 1925, Dart tuyên bố đây là một chi và loài mới của tổ tiên người: Australopithecus africanus, loài vượn phương Nam từ châu Phi. Ông tuyên bố Australopithecuslà “sinh vật tiến hóa vượt bậc” so với họ hàng linh trưởng còn sống của chúng ta, và chắc chắn là “mắt xích tuyệt chủng giữa con người và tổ tiên vượn”. Song, nhiều người trong cộng đồng khoa học không mấy hào hứng với lập luận này, và bài báo đã gặp phải sự phản đối dữ dội.

Raymond Arthur Dart (1893 - 1988) cùng với hộp sọ thuộc chi Australopithecus africanus còn được gọi là 'đứa trẻ Taung' và khi qua đời chỉ mới ba tuổi  được tìm thấy năm 1924. Ảnh: palaeoblog
Raymond Arthur Dart (1893 - 1988) cùng với hộp sọ thuộc chi Australopithecus africanus còn được gọi là 'đứa trẻ Taung' và khi qua đời chỉ mới ba tuổi được tìm thấy năm 1924. Ảnh: palaeoblog

Sự phản đối mãnh liệt

Việc chấp nhận Australopithecus đồng nghĩa với từ bỏ ý tưởng châu Âu và châu Á có thể là những “cái nôi”. Nó cũng có nghĩa là loại bỏ các hóa thạch khác mâu thuẫn với Em bé Taung về mặt giải phẫu và lý thuyết về mô hình tiến hóa. Quan trọng nhất, nó thách thức hóa thạch Người Piltdown. Mẫu hóa thạch này được coi là tổ tiên của loài người, nó được tìm thấy ở Anh vào năm 1912. Khoang não lớn cùng với hàm giống vượn đã ủng hộ một giả thuyết dự đoán rằng bộ não sẽ dẫn đầu quá trình tiến hóa của loài người, tiến hóa trước các đặc điểm đặc trưng khác của người như đi bằng hai chân.

“Taung thì ngược lại”, nhà cổ nhân chủng học Bernard Wood nói. Lỗ trên hộp sọ dành cho tủy sống nằm ngay dưới đáy, cho thấy sinh vật này đã đi đứng thẳng. Bộ não nhỏ của Em bé Taung cho thấy tư thế thẳng mới là thứ tiến hóa trước chứ không phải kích thước não bộ. Khi so sánh với mẫu vật Piltdown, sự kết hợp giữa các đặc điểm giống vượn và giống người của Australopithecus đã đảo ngược niềm tin mà bấy lâu nay giới khoa học vẫn chấp nhận.

Nhiều nhà khoa học tinh hoa của Anh ủng hộ vị trí của Người Piltdown trong phả hệ nhân loại, vì thế khám phá của Dart thật vô lý đối với họ. Họ hoàn toàn loại bỏ Em bé Taung khỏi gia đình loài người, tuyên bố nó là một con tinh tinh non hoặc một họ hàng xa hơn. Người quả quyết nhất trong số đó là nhà giải phẫu học Arthur Keith đã gọi ý tưởng Australopithecus là tổ tiên loài người là “lố bịch”.

Một số lý do cho việc bác bỏ đã được thảo luận công khai, như cách hộp sọ của đứa trẻ có thể bị nhầm giữa các đặc điểm tiến hóa với đặc điểm của trẻ sơ sinh, và không xác định được chắc chắn tuổi địa chất của hóa thạch. Nhưng thực ra, những điều họ đề ra chỉ nhằm che đậy những lý do ít khoa học hơn. “Điều này đi ngược lại thế giới quan của họ về thứ gì đó liên quan tới chúng ta mà lại đến từ châu Phi”, nhà cổ nhân chủng học Lauren Schroeder nhận định.

Chán nản, Dart cất bản thảo dày 250 trang bị từ chối của mình vào ngăn kéo và tiếp tục công việc nghiên cứu.

Lật tẩy trò lừa

Nhiều thập niên nữa trôi qua trước khi cộng đồng khoa học thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình về Australopithecus. Người ủng hộ Piltdown như ông Arthur Keith chuyển từ việc cho rằng Em bé Taung là “lố bịch” vào năm 1925 sang thừa nhận vào năm 1947 rằng “Giáo sư Dart đã đúng và tôi đã sai”. Một trong những yếu tố lớn nhất cho việc thay đổi thái độ là việc vạch trần hóa thạch Người Piltdown là làm giả. Những năm 1940 rộ lên lời đồn rằng hóa thạch này có điểm đáng ngờ. Tới năm 1953, các nhà khoa học cho biết lời đồn này là thật, Người Piltdown được làm từ hộp sọ người và hàm của một con đười ươi, sau đó bị phá hủy và nhuộm màu có chủ đích để trông cũ hơn.

Trò bịp này đã chuyển sự chú ý của giới khoa học sang châu Phi và những hóa thạch được khai quật tại đây. Đồng nghiệp của Dart là Robert Broom đã lấy cảm hứng từ việc tìm ra Em bé Taung và tiếp tục hợp tác với thợ mỏ ở Nam Phi. Nhờ các đường hầm dưới lòng đất và phương pháp dùng thuốc nổ phá vỡ đá cứng, Broom thu thập được ngày càng nhiều hóa thạch của Australopithecus. Đáng chú ý nhất là hộp sọ được bảo quản tốt của một người trưởng thành có biệt danh là “Bà Ples” vào năm 1947, sau đó vài tháng họ tìm thấy một phần hông và đốt sống – xác nhận chắc chắn rằng Australopithecus là loài đi thẳng. Những khám phá như vậy xuất hiện ngày càng nhiều, khiến không ai có thể bỏ qua châu Phi trong câu chuyện về nguồn gốc loài người.

Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng: nó khiến các nhà khoa học xác nhận nguồn gốc của loài người tới từ châu Phi, chứ không phải châu Âu hoặc châu Á như đã từng, đồng thời khẳng định tư thế thẳng đứng của tổ tiên của chúng ta tiến hóa trước bộ não lớn.

Và cuối cùng, giáo sư Dart đã nhận được sự tôn vinh xứng đáng. Ông được bầu làm thành viên của Hiệp hội Hoàng gia Nam Phi vào năm 1930, nhận bằng tiến sĩ danh dự từ các trường đại học Natal (1956) và Witwatersrand (1965).

Gặp gỡ Lucy

Hẳn nhiều độc giả không quen thuộc với Em bé Taung, song nhờ nó mà Lucy và các phát hiện khác được dễ dàng chấp nhận hơn. Vào thời điểm hài cốt của Lucy được tìm thấy trên những ngọn đồi ở Ethiopia trong những năm 1970, vị trí của cô không còn gây tranh cãi nhiều nữa.

Lucy được phân vào loài mới Australopithecus afarensis, điều này giúp củng cố vị trí quan trọng của chi này trên cây phả hệ: một chi đã sống cách đây 4-2 triệu năm trước và có khả năng đã tạo ra loài Homo chúng ta. Cô là mảnh ghép cuối cùng trong câu chuyện dài trong thế kỷ 20 được khởi nguồn từ hộp sọ của một em bé mà Dart đã tìm ra.

Em bé Taung không phải đóng góp duy nhất của Dart với khoa học tiến hóa. Từ địa điểm khảo cổ Makapansgat, ông đã phát hiện nhiều dấu tích hóa thạch của loài Australopithecus, cùng hàng chục nghìn mảnh xương động vật gãy. Trong 39 bài báo được đăng từ năm 1949-1965, và trong cuốn sách The Osteodontokeratic Culture of Australopithecus Prometheus (1957), Dart đã phát triển giả thuyết rằng một số mảnh xương đã được người vượn cố tình tạo hình và sử dụng, cùng với răng và lõi sừng, để giết động vật làm thức ăn. Ý tưởng của ông đã thúc đẩy một nhánh khoa học mới là mồ học, nghiên cứu tác động của các tác nhân vật lý và sinh học lên xương.

Nguồn:

nationalgeographic, press.uchicago.edu

Đăng số 1317 (số 45/2024)KH&PT