Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 10, các nhà khoa học tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã phát triển một kỹ thuật in DNA mới, giúp lưu trữ dữ liệu trên DNA nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Thông thường, việc ghi dữ liệu vào DNA yêu cầu chúng ta phải tổng hợp từng chuỗi nucleotide (A, T, G, C) của DNA một cách tuần tự, giống như xâu hạt vào một sợi dây. Quá trình này chậm và không phù hợp với dữ liệu lớn.
Kỹ thuật mới sử dụng 700 khối DNA, mỗi khối gồm 24 nucleotide, đóng vai trò như các ký tự rời trong hệ thống in ấn. Các khối này được sắp xếp theo thứ tự mong muốn và tự lắp ráp trên một sợi DNA khuôn mẫu, cho phép mã hóa dữ liệu đồng thời ở 350 điểm.
Nhóm nghiên cứu mã hóa dữ liệu dưới dạng nhị phân (1 và 0) thay vì các ký tự nucleotide thông thường. Các khối DNA chứa dấu hiệu hóa học (nhóm methyl) đại diện cho số 1 và khối DNA không chứa nhóm methyl tương ứng với số 0.
Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ mới để lưu trữ thành công một bức tranh về con hổ có dung lượng 16.833 bit và một bức ảnh gấu trúc (252.500 bit). Họ có thể khôi phục dữ liệu với độ chính xác gần như tuyệt đối bằng cách sử dụng các phương pháp đọc DNA hiện có.
Một centimet khối DNA có thể lưu trữ hơn 10 tỷ gigabyte dữ liệu và tồn tại hàng nghìn, thậm chí hàng triệu năm trong điều kiện phù hợp.
Nguồn: Sciencealert.com
Tin đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)
Quốc Hùng và nhóm tác giả lược dịch