Một số nhạc sĩ sáng tác những bài hát thu hút nhiều thế hệ khán giả, chẳng hạn như bài “True Colors” – ca khúc được các nghệ sĩ hát lại hoặc phối lại theo phong cách mới nhiều lần. Ca sĩ Cyndi Lauper phát hành bài hát này lần đầu năm 1986. Mười năm sau, công viên Epcot ở Disney World đã sử dụng bài hát này trong đoạn video mở đầu cho một chương trình. Một thập kỷ tiếp theo, bài hát lại vang lên trong bộ phim “Trolls”. Giờ đây, khi tìm kiếm trên mạng, bạn sẽ thấy rất nhiều bản cover của ca khúc này.
Vậy tại sao một số bài hát có khả năng thu hút nhiều người khác nhau theo thời gian, trong khi những bài hát khác thì không? Tại sao mỗi người có sở thích âm nhạc riêng, nhưng vẫn có những bài hát có thể làm hài lòng mọi người từ nhiều thế hệ và hoàn cảnh khác nhau?
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí
Social Cognitive and Affective Neuroscience vào tháng 6/2016, các nhà khoa học tại Đại học Harvard (Mỹ) đã nghiên cứu cách thức âm nhạc kích hoạt các vùng não liên quan đến cảm xúc và động lực, nhằm giải thích vì sao âm nhạc gây ra phản ứng cảm xúc mạnh mẽ. Họ nhận thấy con người thường thích những bản nhạc có giai điệu thay đổi bất ngờ, đôi khi mang lại cảm giác thích thú hoặc rùng mình, khiến cơ thể nổi da gà. Điều này ngụ ý rằng con người đã sáng tạo và thưởng thức âm nhạc qua nhiều thời đại vì âm nhạc mang lại cảm giác vui vẻ và thỏa mãn.
Âm nhạc, cảm xúc và tính cáchTrong nghiên cứu được công bố trên tạp chí
Journal of Personality and Social Psychology vào năm 2011, các nhà khoa học tại Đại học Cambridge (Anh) và Đại học McGill (Canada) đã tìm hiểu mối liên hệ giữa sở thích âm nhạc, cảm xúc và đặc điểm tính cách của con người. Họ phát hiện con người thường chọn loại nhạc để nghe dựa trên cảm xúc mà họ muốn cảm nhận.
Nếu biết sở thích âm nhạc của người khác, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về sở thích và tính cách của họ. Âm nhạc là cầu nối, giúp xóa bỏ rào cản và thúc đẩy sự thấu hiểu giữa những người xuất thân từ các nền văn hóa và hoàn cảnh khác biệt.
|
Một số người cảm thấy thoải mái khi nghe nhạc có giai điệu nhẹ nhàng và êm dịu. Những người khác lại cảm thấy xúc động khi nghe nhạc cổ điển, nhạc đồng quê, nhạc dân gian hoặc nhạc pop.
Khi nghe nhạc, chúng ta không chỉ nghe thấy âm thanh mà còn trải nghiệm cảm giác vui, buồn, phấn khởi hay thư giãn do giai điệu và nhịp điệu của bài hát mang lại.
Sở thích của chúng ta đối với một số thể loại hoặc phong cách âm nhạc nhất định có thể bắt nguồn từ thời điểm và nơi chúng ta lần đầu tiên nghe thấy chúng. Ví dụ, khi chúng ta nghe nhạc đồng quê trong một chuyến du lịch đáng nhớ, những ấn tượng và kỷ niệm gắn liền với trải nghiệm đó khiến chúng ta yêu thích thể loại nhạc đồng quê lâu dài. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể yêu thích một thể loại nhạc nào đó chỉ vì sở thích cá nhân hoặc tính cách riêng của từng người, không bị ảnh hưởng từ môi trường hay hoàn cảnh bên ngoài.
Điều thú vị là sở thích âm nhạc của chúng ta không cố định mà thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào những trải nghiệm của chúng ta trong đời sống.
Khi gặp khó khăn, chúng ta có thể chọn nghe những bài hát mang lại cảm giác vui vẻ, tích cực, phản ánh những điều chúng ta mong muốn xảy ra. Ngược lại, đôi lúc mọi người tìm đến những bài hát buồn nhằm tìm kiếm sự đồng cảm, giúp họ hiểu được cảm xúc của chính mình, từ đó đối diện và vượt qua nghịch cảnh.
Ngoài ra, sự lựa chọn bài hát của mỗi người không chỉ phụ thuộc vào thể loại nhạc mà họ yêu thích. Ví dụ, những người yêu thích nhạc pop hoặc rock không nhất thiết phải lựa chọn cùng một bài hát nhạc pop hay rock giống nhau.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí
Personality and Social Psychology vào tháng 6/2023, các nhà khoa học tại Viện Max Planck về Mỹ học Thực nghiệm (Đức) đã phân tích sở thích âm nhạc của các tình nguyện viên trong năm thể loại âm nhạc phổ biến. Họ nhận thấy sở thích âm nhạc của mỗi người không chỉ gắn liền với các thể loại nhạc chính (như pop, rock, hoặc jazz) mà còn bị chi phối bởi các dòng nhạc phụ và phong cách phụ trong từng thể loại. Ví dụ, trong nhạc rock, một người có thể thích rock cổ điển, trong khi người khác lại yêu thích rock hiện đại. Điều này cho thấy sở thích âm nhạc của mỗi người rất đa dạng và mang tính cá nhân hóa.
Trong một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí
Psychological Science vào tháng 3/2018, Gideon Nave tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) và các cộng sự phát hiện sở thích âm nhạc có thể tiết lộ nhiều điều về tính cách của một người. Nói cách khác, nếu ai đó biết bạn thích thể loại nhạc gì, họ có thể dự đoán một phần tính cách của bạn. Những người đã quen thuộc với bạn có thể dễ dàng gợi ý những bản nhạc mà bạn muốn nghe.
Ví dụ, người có tính cách cởi mở thích những bài hát êm dịu và có chiều sâu như “What Was I Made For?” của Billie Eilish, hoặc giai điệu mạnh mẽ như “Natural” của Imagine Dragons.
Nghiên cứu cũng cho thấy các cá nhân với tính cách hướng ngoại có xu hướng thích nhạc đương đại. Những người hòa đồng (dễ gần) thích nghe nhạc có giai điệu mộc mạc và giản di, chẳng hạn như bài “Never Alone” của Garrett Kato & Elina. Người có tính cách cẩn thận, chu đáo thích nghe cả nhạc nhẹ nhàng lẫn nhạc mạnh mẽ. Những người dễ lo âu thích nghe nhiều thể loại nhạc khác nhau, không phụ thuộc vào một phong cách cụ thể.
Chúng ta có thể thích nghe nhạc của một nghệ sĩ nào đó không hẳn vì giai điệu của bài hát, mà bởi vì sự mến mộ dành cho chính nghệ sĩ ấy. Một số người thích nghe nhạc của các nghệ sĩ mà họ cảm thấy có nét tương đồng về mặt tính cách, sở thích hay quan điểm – đặc biệt là khi họ có thể xem các bài đăng và tương tác của nghệ sĩ trên mạng xã hội, làm tăng cảm giác gần gũi và kết nối.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí
Nature Human Behaviourvào tháng 1/2019, các nhà khoa học tại Đại học Cornell (Mỹ) đã tiến hành phân tích 765 triệu lượt phát nhạc trực tuyến do một triệu người ở 51 quốc gia thực hiện. Họ nhận thấy sở thích nghe nhạc của con người thay đổi theo thời gian trong ngày, độ tuổi và phong cách nhạc yêu thích. Hầu hết mọi người nghe nhạc thư giãn hơn vào ban đêm và nghe nhạc có giai điệu mạnh mẽ hơn vào ban ngày. Những người trẻ tuổi nghe nhạc sôi động hơn so với người lớn tuổi.
Âm nhạc phát trực tuyến ở khu vực Mỹ Latinh tạo ra những phản ứng thể chất và cảm xúc nhanh chóng, trong khi âm nhạc ở châu Á thường mang tính thư giãn. Tóm lại, môi trường sống, yếu tố văn hóa và tâm trạng cá nhân có ảnh hưởng lớn đến sở thích âm nhạc của mỗi người.
Nguồn: Theconversation