Trước hết, phải nói ngay rằng, cuốn sách "Chiến trường bán dẫn: Cạnh tranh chiến lược và tự chủ đổi mới sáng tạo của Trung Quốc thế kỷ 21" của Phạm Sỹ Thành và Nguyễn Tuệ Anh không hề dễ đọc bởi lượng thông tin khổng lồ mà hai tác giả đã dày công tổng hợp rồi "nén" vào hơn 500 trang sách.

“Chiến trường bán dẫn” là kết quả nghiên cứu của hai tác giả giàu kinh nghiệm về ngành bán dẫn dưới góc độ các chính sách. Nguồn: Công ty Cổ phần Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại
“Chiến trường bán dẫn” là kết quả nghiên cứu của hai tác giả giàu kinh nghiệm về ngành bán dẫn dưới góc độ các chính sách. Nguồn: Công ty Cổ phần Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại

Và cũng phải nói ngay rằng, tôi không có ý so sánh Chiến trường bán dẫn với Chip War của tác giả Chris Miller. Đây là cuốn sách mà khi đọc bản dịch tiếng Việt, cá nhân tôi cảm thấy chưa “đã” vì Chris Miller mô tả chưa tương xứng về thành tựu của ngành bán dẫn Trung Quốc, nhất là đặt trong bối cảnh lịch sử phát triển có tính chất đặc thù của nước này.

Sở dĩ tôi có cảm giác đó phần vì cá nhân tôi đã có một khoảng thời gian trải nghiệm, tương tác trực tiếp trong ngành bán dẫn ở Trung Quốc giai đoạn 2005-2007; phần nữa là “bạn bè bán dẫn” trong 20 năm qua của tôi có không ít người liên quan tới bán dẫn Trung Quốc. Sự phát triển của ngành bán dẫn Trung Quốc nên được nhìn nhận một cách khách quan và xứng đáng hơn.

Trong khi đó, Chiến trường bán dẫn dành cho ngành bán dẫn Trung Quốc một sự tôn trọng đặc biệt với dung lượng nói về nó chiếm gần 2/3 cuốn sách. Hồi ức về những ngày làm việc tại Thượng Hải lại hiện về rõ mồn một trong tôi khi bắt gặp những cái tên đã trở thành dĩ vãng như nhà máy wafer fab ASMC, hay sự tăng trưởng theo cấp số nhân những công ty fabless ở Thượng Hải kể từ những năm 2004-2005.

Chiến trường bán dẫn có tổng cộng sáu chương với độ dài ngắn rất khác nhau, được sắp xếp theo một trình tự logic. Mỗi chương là những khối thông tin đồ sộ, có thể để lại những ấn tượng không giống nhau giữa các độc giả. Với cá nhân tôi, những cảm nhận đó là:

Chương 1, hai tác giả tập trung giải thích các khái niệm, thuật ngữ của lĩnh vực bán dẫn, để thống nhất cách hiểu cũng như cố gắng diễn đạt các khái niệm theo cách nôm na nhất, tiện theo dõi cho những độc giả còn chưa quen thuộc lắm với ngành bán dẫn. Tôi đặc biệt chú ý tới thông tin, hơn 90% số lượng chip trên thế giới hiện nay là chip trên quy trình 10nm. Nghĩa là chỉ có 10% số lượng chip trên thế giới sử dụng nút quy trình tiên tiến, hay những nút quy trình dưới 10nm, mà Mỹ không muốn Trung Quốc làm chủ được. Nếu tỷ lệ này không tăng lên hoặc có những cách khác không cần dùng tới nút quy trình tiên tiến thì kết quả “cuộc chiến bán dẫn” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có nhiều bất ngờ.

Liệu tỷ lệ này có sự thay đổi lớn trong thời gian tới hay không vẫn còn là một câu hỏi không dễ dự đoán khi chi phí cho nghiên cứu nút quy trình tiên tiến ngày càng cao và không phải tổ chức nào cũng có thể theo đuổi, nhất là trong bối cảnh chiplet và đóng gói tiên tiến đang nổi lên như một phương pháp thay thế cho việc tiếp tục chạy đua thu nhỏ kích thước bóng bán dẫn.

Chương 2 tuy mang tiêu đề về chiến lược phát triển bán dẫn của Trung Quốc nhưng dường như các tác giả mô tả nhiều hơn về nơi hiện có thể được coi là chiến trường chính của cuộc chiến bán dẫn. Cá nhân tôi tự đặt cho mình câu hỏi “nguyên nhân nào khiến các chính sách phát triển ngành bán dẫn của Trung Quốc chưa hiệu quả như mong đợi?”. Đọc xong, tôi nghĩ có lẽ vấn đề nằm ở con người. Chính sách có tốt đến mấy, tài lực đổ vào có nhiều đến mấy nhưng nếu con người thực hiện cụ thể chưa đủ tầm thì sẽ rất lãng phí. Ở chiều ngược lại, từng con người cụ thể lại là sản phẩm của môi trường sống xung quanh. Phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này sẽ là một bài học rất quan trọng.

Khi độc giả đã làm quen với các thuật ngữ chuyên ngành ở Chương 1, đã có chút hình dung về chiến trường nơi cuộc chiến đang diễn ra ở Chương 2, thì từ Chương 3 tới Chương 5, các tác giả lần lượt đề cập tới các bên đã, đang và sẽ tham gia vào “cuộc chiến bán dẫn” vô cùng thú vị này, mở đầu là về Trung Quốc (Chương 3). Tuy nhiên, tôi nhận thấy có một số thông tin về nguồn nhân lực chưa thống nhất khi cuốn sách đề cập đến nguồn lực bán dẫn Trung Quốc. Đơn cử, hình vẽ trên trang 229 (Chương 2) cho biết, số nhân lực thiết kế bán dẫn của Trung Quốc trong các năm 2018 tới 2020 tương ứng 160.000 – 181.200 – 199.600 người. Nhưng ở trang 261 (Chương 3) khi nói về nguồn nhân lực thiết kế bán dẫn toàn cầu năm 2021, các tác giả lại dẫn số liệu nguồn nhân lực thiết kế Trung Quốc là 52.000 người. Có độ lệch trong các nguồn thông tin khác nhau, nếu các tác giả lưu ý thêm có lẽ sẽ giảm đi sự khó hiểu với độc giả.

Chương 4 dành riêng viết về người chơi Mỹ, đối chọi với người chơi Trung Quốc ở Chương 3. Tôi đặc biệt ấn tượng với mô hình đầu tư để thúc đẩy đổi mới sáng tạo rất thành công của Mỹ là DARPA. Các tác giả đã nhiều lần nhấn mạnh sự ưu việt của mô hình DARPA, nhưng đáng tiếc họ lại bỏ ngỏ câu hỏi quan trọng hơn là điều gì khiến cho mô hình này mới chỉ thành công ở Mỹ mà không phải ở những nơi khác, vì chắc chắn không phải bây giờ mọi người mới biết đến DARPA.

abc
Hai tác giả - TS. Phạm Sỹ Thành (trái) và TS. Nguyễn Tuệ Anh - tại tọa đàm khoa học và ra mắt sách, Hà Nội, 29/10/2024. Ảnh: BTC

Chương 5 viết về những người chơi còn lại. Đây là một chương không dài nhưng có những thông tin thú vị không thể bỏ qua như năm 2022, cả ba công ty lớn của châu Âu là Infineon, ST và NXP đều không nằm trong top 15 công ty bán dẫn hàng đầu. Trong chương này, ngoài việc điểm qua những người chơi quen thuộc như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Đông Nam Á thì còn xuất hiện thêm Trung Đông vốn ít khi được truyền thông nhắc tới khi nói về bán dẫn.

Chương 6 có tính tổng hợp cao khi tóm tắt những điểm chính trong các chính sách phát triển bán dẫn của cả Mỹ và Trung Quốc. Sẽ tuyệt vời hơn nếu hai bảng tổng hợp đó được kết hợp làm một để vừa làm nổi bật sự giống và khác nhau về chính sách giữa Mỹ và Trung Quốc, vừa giúp người đọc dễ theo dõi. Nhưng quan trọng hơn cả, Chương 6, rất ngắn, tóm gọn lại góc nhìn của các tác giả về tác động tiềm năng của các chính sách và một câu hỏi để ngỏ liệu chiến lược đầu tư tập trung vào các “chiêu thức” như Trung Quốc có thể giành chiến thắng trước đối thủ vẫn đầy “nội lực” như Mỹ.

Cuối cùng, cuốn sách này không phải để đọc chỉ một lần và cũng không nhất thiết phải đọc tuần tự từ đầu tới cuối. Những độc giả đã quen với các thuật ngữ bán dẫn, cũng như có nhiều thông tin về cái nôi bán dẫn của thế giới là Mỹ nhưng chưa có nhiều thông tin về bán dẫn Trung Quốc, có thể lướt qua Chương 1, Chương 4. Chương 2 và Chương 3 có thể hơi khó đọc nhưng lại là kho thông tin khổng lồ giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về lịch sử phát triển bán dẫn Trung Quốc. Hoặc nếu độc giả ấn tượng với ba câu hỏi trong Lời cảm ơn của hai tác giả (Sức mạnh thực sự của Mỹ khi theo đuổi chiến lược bán dẫn là gì? Các nguồn lực khổng lồ, đặc biệt về tài chính, có thể giúp Trung Quốc đi xa đến đâu trong lĩnh vực tự chủ công nghệ bán dẫn? Và tác động của một cuộc chiến bán dẫn trong bối cảnh cạnh tranh địa - chính trị của các cường quốc đối với sự phát triển của ngành bán dẫn là gì?) ở ngay đầu cuốn sách, họ có thể tìm câu trả lời trong Chương 6 rồi bắt đầu lật giở các chương còn lại để tìm cho mình những thông tin cần thiết.

Bài đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)