Khi viết tiểu luận về hai họa sĩ đương thời là Constantin Guys và Eugène Delacroix, nhà phê bình Charles Baudelaire (1821-1867), cha đẻ của chủ nghĩa tượng trưng, đã phát biểu yếu tính của nghệ thuật hiện đại và góp phần định hình cái mẫu người mà nhiều nghệ sĩ tiên phong thời hiện đại tìm cách trở thành.


Năm 1863, chỉ vài năm trước khi qua đời, nhà thơ và nhà phê bình Charles Baudelaire đã gửi đến báo chí hai tiểu luận về hai họa sĩ đương thời, là Constantin Guys (1802–1892) và Eugène Delacroix (1798 –1863). 160 năm sau, hai tiểu luận này đã được ấn hành tại Việt Nam trong một tập sách chung, mang tên “Hoạ sĩ của cuộc sống hiện đại”.
Tập tiểu luận do Cao Việt Dũng dịch, NXB Hội Nhà văn và Xuất bản Khác ấn hành năm2023. Nguồn: INT
Tập tiểu luận do Cao Việt Dũng dịch, NXB Hội Nhà văn và Xuất bản Khác ấn hành năm2023. Nguồn: INT

Là cái nhìn của một nhà thơ tiên phong về hai họa sĩ tiên phong mà mình chịu ảnh hưởng, tập tiểu luận không đặt trọng tâm ở lời khen chê các tác phẩm hội họa, mà ở nỗ lực tái hiện quy trình sáng tạo đặc trưng cho từng nghệ sĩ, cùng mầm mống sáng tạo ẩn tàng trong cách họ sống, giao tế, truy tìm cái đẹp trong thế giới và xây dựng lại bản thân. Vì vậy, đây không chỉ là một cuốn sách phê bình, mà còn là một tập hợp các quan sát sắc sảo của Baudelaire về tập quán xã hội, tâm lí cá nhân và tinh thần của thời đại.

Tiểu luận về Constantin Guys, người mà Baudelaire vinh danh là “họa sĩ của cuộc sống hiện đại”, đã mở đầu không phải bằng những dòng viết về Guys, mà bằng một triết lý về cái đẹp.

Theo Baudelaire, cái đẹp luôn tồn tại trên hai phương diện: một bên là cái yếu tố vĩnh cửu, bất biến nhưng rất khó phát biểu, tạo nên hạt nhân của vẻ đẹp ở mọi thời kỳ; bên kia là cái yếu tố tương đối, liên tục thay đổi tùy theo các mốt, luân lý và dục vọng của từng thời kỳ khác nhau, nhưng lại tạo nên vẻ ngoài của đồ vật đẹp để người ta dễ dàng nắm bắt.

Nhận thấy yếu tố tương đối vừa nêu hoặc liên quan đến các cốt truyện tôn giáo (như trong trường hợp của nghệ thuật mang tính nghi lễ), hoặc liên quan đến các mốt thời thượng và phong cách cá nhân của từng nghệ sĩ (như trong trường hợp của nghệ thuật thế tục), Baudelaire ủng hộ cái nhìn hài hước của Stendhal, rằng “Cái Đẹp chỉ là lời hứa về hạnh phúc” – cái hạnh phúc được hứa hẹn trên Thiên đường hay trong thói quen chạy theo mốt thời trang. Lấy triết lý này làm nền tảng, Baudelaire đã kêu gọi nghệ sĩ vẽ những cảnh quan sẵn có xung quanh mình thay vì chép lại những áo choàng La Mã hoặc bàn ghế Phục hưng, để sáng tạo một cái đẹp mới làm cột trụ tinh thần cho thời đại, từ đó kiến tạo tinh thần của thời đại – thứ khiến một số tác phẩm mang nó để lại dấu ấn trong mắt người đời sau, trong khi các tác phẩm khác bị quên lãng.

Vậy thời hiện đại – thứ đã khởi đầu bằng phong trào Khai sáng trước đó hai thế kỷ và đang định hình sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất – rốt cuộc là gì? Baudelaire mô tả nó trước hết bằng từ “nhanh”: có “một chuyển động thật nhanh” đang chi phối “các cảnh tượng của mốt”, “các vụn vặt của cuộc sống”, “các biến hóa thường nhật của những thứ bên ngoài”, và nó buộc họa sĩ phải vẽ nhanh hơn để kịp nắm bắt đời sống. Thêm vào đó, việc sử dụng kỹ thuật in thạch bản (ra đời cuối thế kỷ 18) để sản xuất hàng loạt các bức tranh in cho báo chí đã mang đến cả sự hỗ trợ lẫn áp lực để khiến họa sĩ phải vẽ nhanh hơn, và vẽ về những chủ đề mang tính thời sự hơn. Trong bối cảnh này, Constantin Guys – một bậc thầy vẽ ký họa về các cuộc chiến tranh, các sự kiện chính trị và văn hóa, các cảnh tượng thường nhật trên đường phố, công viên, quán rượu… để phục vụ báo chí và sở thích cá nhân của mình, đã bước lên sân khấu.

Là một cựu binh tự học vẽ vào tuổi tứ tuần, Guys không sở hữu kỹ thuật hoàn hảo theo tiêu chuẩn của giới hàn lâm. Dù vậy, ông có thể hoàn tất trên dưới 10 bức tranh mỗi ngày trước khi gửi chúng cho tòa báo. Những nét vẽ tưởng chừng sơ phác của Guys có thể thâu tóm cái thần của con người và sự vật – từ những đợt sóng vải xanh biếc trên trang phục quấn quanh thân thể một thiếu nữ đến dáng đứng thẳng nửa tư lự, nửa vô lo của một sĩ quan hiểu rõ mình có thể không sống đến ngày mai. Bằng cặp mắt tinh tường của mình, Baudelaire đã chỉ ra rằng tài năng ấy không thể quy giản thành kỹ thuật chuyên môn, mà trước hết đến từ tâm lý cá nhân, tiểu sử, quan niệm sống, thói quen thường nhật… – những gì định hình Guys như một con người, chứ không chỉ như một họa sĩ.

abc
Gặp gỡ trong công viên, Constantin Guys, khoảng 1860. Nguồn: Shutterstock

Theo Baudelaire, tài năng của Guys xuất phát từ việc ông có sự tò mò như của một đứa trẻ. “Đứa trẻ thấy mọi điều như mới, lúc nào nó cũng say”. Vì tò mò, Guys đã di chuyển đến vô số địa điểm rất khác nhau, từ hòa bình đến loạn lạc, từ sang cả đến nghèo hèn, tội lỗi, để nuốt mọi con người và cảnh vật vào cặp mắt vui thú quan sát của mình. Chỉ khi đêm đến, ông mới vận trí nhớ để vẽ lại những cảnh vật ấn tượng nhất trong ngày, bắt đầu bằng vài nét phác mô tả những dáng đứng trong không gian, trước khi chồng thêm từng lớp màu nước trong suốt đậm dần, rồi vẽ đường viền (contour) để kết thúc. Ông thường vẽ nhiều bức cùng lúc, vài bức trong số đó mới ở điểm khởi đầu, số khác được tô điểm thêm vài nét mực trước khi cất đi để đợi lần hoàn thiện sau. Theo cách này, mỗi bức tranh của Guys vốn là nhiều bức vẽ chồng lên nhau, bức sau chồng lên bức trước, mỗi bức đều hoàn hảo khi ông dừng bút nghỉ. Được ký ức lên men thơm, những bức tranh của ông không đơn thuần sao chép cảnh vật đời thực, mà tái tạo hiện thực dưới một hình thức mới tắm đẫm những ấn tượng, tình cảm và sức sống của chính ông. Nhờ đó, ông vẽ để làm đẹp hiện thực của những cái mới đang liên tục xuất hiện rồi biến mất quanh mình, và để làm lại mình bằng cái đẹp và cái mới.

Như vậy, phong cách và kỹ thuật riêng của Guys không xuất phát từ trường lớp chuyên môn, mà được nhào nặn trước hết bởi cuộc sống ngoài phạm vi hội họa.

Từ cùng hướng tiếp cận đó, Baudelaire đã cố gắng giải mã tài năng của Delacroix, một họa sĩ được đào tạo chính quy. Dựa trên lời bộc bạch của Delacroix trong thư từ và các cuộc trò chuyện thân mật khi còn sống, Baudelaire tiết lộ rằng vị họa sĩ này không sao chép các cảnh quan trong hiện thực, mà vẽ các giấc mơ, các hình ảnh tưởng tượng bộc phát của mình. Để kịp dùng cọ vẽ ghi lại những hình ảnh bất chợt xuất hiện rồi tan biến, Delacroix đã phải nâng cao tốc độ vẽ của mình bằng nhiều phương pháp làm việc thiên về lí trí hơn cảm tính – từ việc phân bố các màu trên palette theo một trật tự gọn gàng được chuẩn bị từ trước cho đến việc không ngừng mài giũa kỹ thuật để mỗi khi cần, mệnh lệnh của trí tưởng tượng sẽ được thực hiện chính xác bởi đôi tay.

Cho đến thời điểm đó, nhiều họa sĩ hàn lâm ở Pháp vẫn đánh đồng đường nét với lý trí, màu sắc với cảm tính, và tin rằng sự cao quý của lý trí so với cảm tính khiến đường nét có thế giá cao hơn. Khác với họ, Baudelaire lập luận rằng cả đường nét lẫn màu sắc đều không tồn tại trong tự nhiên: tự nhiên là một tổng thể liên tục, đường và màu chỉ là những ý niệm trừu tượng mà con người dùng để nhìn thế giới. “Đường và màu khiến người ta nghĩ và mơ; những khoái lạc phát sinh từ đó thì thuộc một bản tính khác, nhưng ngang bằng một cách hoàn hảo và tuyệt đối độc lập với chủ đề của bức tranh”. Khi đưa ra cái nhìn táo bạo này, Baudelaire không chỉ biện minh cho những bản giao hưởng màu sắc của Delacroix, mà còn truyền cảm hứng cho các cuộc cách mạng của nghệ thuật hiện đại sau này – tại đó hình thức nổi dậy để vượt thoát khỏi hiện thực và chủ đề, rồi ý niệm nổi dậy để vượt thoát khỏi hình thức.

Hai tiểu luận của Baudelaire cũng góp phần định hình cái mẫu người mà nhiều nghệ sĩ tiên phong thời hiện đại tìm cách trở thành. Baudelaire không gọi Constantin Guys và Eugène Delacroix là “nghệ sĩ”, mà gọi họ là các “homme du monde”, tức “người của thế giới”. Nếu nghệ sĩ chỉ là “những kẻ thô lậu khéo léo, các thợ tay chân thuần túy, các trí năng của làng, các bộ óc của thôn”, các “chuyên gia” “gắn bó với palette của mình như nông nô gắn chặt với mảnh đất”, thì “homme du monde” có tầm vóc vượt ra khỏi chuyên môn. Đó là kiểu người khám phá thế giới từ nhiều góc độ khác nhau để hiểu và tận dụng thế giới. Nhờ tri thức thu được, họ tự do khỏi các tính toán vụn vặt và lề thói rỗng tuếch của một thời hiện đại điên đảo, nơi sự toàn vẹn về mặt tinh thần mà tôn giáo từng mang lại dần nhường chỗ cho bức tranh phân mảnh của các mốt thời thượng, các quan điểm, các vị trí trong chuyên ngành… – tất cả đều là vật ngoại thân. Guys sống trong trò chơi quan sát, Delacroix sống trong trí tưởng tượng, và họ vẽ tranh để vừa hoàn thiện, vừa chu cấp cho đời sống dị biệt của mình, chứ không xem óc quan sát và trí tưởng tượng như những công cụ để thăng tiến trong nghề vẽ. Chính lối sống này đã sinh ra các phong cách và quan điểm riêng của họ, điều khiến họ xung đột với giới chuyên môn. Cũng nhờ sống ngoài luật chơi của thế giới đang phân rã, nhưng lại quan sát và tương tác với thế giới ấy không ngừng, họ vừa chạm đến khía cạnh vĩnh cửu, tuyệt đối và vô hình của cái đẹp, vừa biết truyền tải cái đẹp qua những hình thức đang nhất thời hiện ra trong cõi phù thế. Sau tất cả, tác phẩm tối hậu của họ không phải là một bức tranh, mà là một cái tôi sống động – thứ liên tục tìm những cách mới để đạt được sự thống nhất nội tại trong lúc dòng thời gian xé nhỏ nó và cuốn nó đi.

Bài đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)