Nhằm khôi phục diện tích trồng khoai tây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình đã triển khai mô hình trông khoai tây theo phương pháp khí cảnh để cung cấp giống nguyên chủng và mô hình ngắt ngọn tạo cây khoai giống giá thấp cho nông dân.

Thái Bình từng là tỉnh có diện tích trồng khoai tây thuộc loại lớn nhất nước, có thời điểm đạt tới 17.000ha. Tuy nhiên, đến nay diện tích trồng khoai tây của tỉnh giảm còn khoảng 3.000ha. Nguyên nhân khó mở rộng diện tích chủ yếu là do chi phí giống cao, lại chưa chủ động được nguồn giống, nhất là giống nguyên chủng. Tháo gỡ khó khăn này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình trồng khoai tây theo phương pháp khí canh để cung cấp giống nguyên chủng và mô hình ngắt ngọn tạo cây khoai giống giá thấp cho nông dân.

Khoai tây giống được tạo ra nhờ phương pháp ngắt ngọn dâm trên giàn khí canh. Ảnh: Tú Anh
Khoai tây giống được tạo ra nhờ phương pháp ngắt ngọn dâm trên giàn khí canh. Ảnh: Tú Anh

Trồng khoai trong không khí

Với phương pháp truyền thống, muốn trồng khoai tây nhất thiết phải có đất nhưng áp dụng phương pháp khí canh đất không còn cần thiết nữa. Thay vì sử dụng củ, các kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông đã sử dụng phương pháp tạo cây giống từ nuôi cấy mô tế bào. Khi mô tế bào phát triển thành cây con trong phòng thí nghiệm sẽ được đưa ra khu nhà lưới trồng trên giá thể cách ly hoàn toàn khỏi mặt đất. Hợp chất nước và các dinh dưỡng cần thiết được phun định kỳ vào gốc cây non để kích thích cây ra rễ, phát triển và tạo củ. Trong môi trường thoáng khí, các chất dinh dưỡng được hòa vào nước sẽ tự động phun dưới dạng sương mù vào bộ rễ với tần suất 15 - 30 phút/ lần. Lượng dung dịch thừa được thu hồi và bổ sung dinh dưỡng để tiếp tục sử dụng.

Mặc dù không cần đến đất, bộ rễ thả lơ lửng trong không khí nhưng do được cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên cây khoai tây sinh trưởng phát triển rất tốt. Mỗi cây khoai trồng trên giàn khí canh có thể cho 40 - 60 củ, cao gấp nhiều lần so với cách trồng truyền thống trong đất. Ðặc biệt, phương pháp này tạo ra nguồn giống nguyên chủng chất lượng cao (đây là củ dạng bi, rất nhỏ chỉ từ 1 - 3cm/củ), khi được sử dụng để canh tác có thể cho năng suất 680kg/sào/vụ, cao hơn so với sử dụng giống khoai truyền thống; giá bán thương phẩm cũng cao hơn hẳn khoai tây truyền thống (khoảng 8.000 - 12.000 đồng/kg). Không chỉ cho năng suất cao, giống nguyên chủng còn khắc phục được hạn chế của loại giống do nông dân tự để bị thoái hóa, cây phát triển chậm, dễ nhiễm sâu bệnh. So với giá giống nguyên chủng nhập nội khoảng 24.000 - 25.000 đồng/kg thì giống sản xuất tại Trung tâm chỉ có giá khoảng 11.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương pháp khí canh này là kỹ thuật vận hành phức tạp, đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật chuyên môn cao không phải người dân nào cũng áp dụng được; chi phí đầu tư khá lớn nên chỉ phù hợp để sản xuất giống, khó áp dụng để sản xuất thương mại trên diện rộng.

Bỏ củ chọn dâm cành

Ðể khắc phục hạn chế của phương pháp khí canh, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục áp dụng phương pháp ngắt cành để tạo cây giống thay cho phương pháp sử dụng củ làm giống như trước đây. Với phương pháp này, sau khi nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm, cây con tạo ra sẽ được đưa ra khu nhà lưới để trồng trên giàn khí canh. Sau khoảng 10 ngày có thể ngắt ngọn để nhân giống. Cây giống tiếp tục được dâm trên giàn khí canh khoảng 15 ngày để cây ra rễ sau đó đem đóng bầu, trồng vào khay sẵn sàng cung ứng giống để đưa ra ruộng trồng đại trà dưới dạng cây con như với cách trồng su hào hay bắp cải.

Trồng khoai tây theo phương pháp khí canh.

Hiện tại, giống siêu bi nguyên chủng và cây giống tạo ra từ dâm cành đã được Trung tâm Khuyến nông đưa xuống trồng thử nghiệm tại một số địa phương trong tỉnh như: Trọng Quan (Ðông Hưng), Vân Trường (Tiền Hải), Thái Giang (Thái Thụy), Quỳnh Xá (Quỳnh Phụ)… Các hộ áp dụng mô hình điểm đều đánh giá rất cao các giống của Trung tâm Khuyến nông do mang lại hiệu quả vượt trội so với sử dụng giống truyền thống tại địa phương.

Hợp tác để nhân rộng

Tuy có nhiều ưu điểm vượt trôi nhưng đến nay mô hình chưa được nhân rộng do nông dân chưa tiếp cận được thông tin. Theo ông Nguyễn Như Liên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, để nhân rộng mô hình, tới đây Trung tâm sẽ chủ động tìm kiếm đối tác là các doanh nghiệp và hộ gia đình để liên kết sản xuất khoai tây giống và khoai tây thương phẩm theo hướng: Doanh nghiệp, hộ gia đình góp đất để trồng, nhân công chăm sóc và chi phí sản xuất, Trung tâm sẽ hỗ trợ về giống và hướng dẫn, giám sát kỹ thuật trong suốt quá trình trồng. Ðồng thời Trung tâm sẽ phối hợp với các huyện, thành phố thành lập các điểm cung ứng giống ngay tại cơ sở để chủ động sản xuất và giảm giá thành cho nông dân. Theo đó các huyện đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị máy đóng bầu (khoảng 100 triệu đồng/chiếc), còn Trung tâm sẽ hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật.

Với tiềm năng quỹ đất có thể trồng khoai tây lên tới 20.000ha, nếu làm tốt khâu tuyên truyền, tạo thuận lợi trong khâu cung ứng giống và làm điểm các mô hình để người dân mắt thấy tại nghe thì chắc chắn diện tích khoai tây hàng năm sẽ tăng đáng kể và không lâu nữa nhiều hộ trồng khoai tây sẽ từ bỏ thói quen truyền thống lựa chọn phương cách trồng cây non trong bầu như với nhiều cây rau màu khác để vừa giảm chi phí đầu tư vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ưu điểm vượt trội của phương pháp dâm cành tạo cây giống

  • Cho phép sản xuất ra lượng cây giống lớn trong khoảng thời gian ngắn
  • Không mất chi phí bảo quản trong kho lạnh như với phương pháp trồng bằng củ
  • Cây khoai giống được trồng vào bầu hoặc vào khay nên vận chuyển rất dễ dàng với số lượng lớn, mỗi sào chỉ cần khoảng 4 khay chứa cây giống là đủ
  • Hoàn toàn chủ động về khâu thời vụ
  • Ðặc biệt chi phí giống rất thấp, giá 1 cây khoai giống chỉ khoảng 350 đồng, tính ra mỗi sào chi phí chưa tới 1 triệu đồng tiền giống, thấp hơn nhiều so với sử dụng giống bằng củ
  • Cây phát triển rất khỏe, kháng sâu bệnh tốt, nhất là với các loại bệnh hay gặp như mốc sương, héo xanh…
  • Năng suất cao hơn nhiều so với giống cũ, chất lượng khoai thương phẩm ngon hơn, đủ tiêu chuẩn làm hàng hóa