Các tế bào miễn dịch được giải phóng trong cơn đau tim sẽ chạy đến não và thúc đẩy giấc ngủ sâu, giúp làm giảm tình trạng viêm ở tim - theo một nghiên cứu mới liên quan đến cả chuột và người.


Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng giấc ngủ và sức khỏe tim mạch có mối liên hệ với nhau. Ví dụ, những người ngủ kém có nguy cơ cao mắc cao huyết áp hơn so với những người ngủ ngon. Tuy nhiên, cách bệnh tim mạch ảnh hưởng đến giấc ngủ lại ít được nghiên cứu hơn.

Để tìm hiểu thêm, các nhà nghiên cứu ở Trường Y Icahn tại Mount Sinai, TP New York, đã gây ra các cơn đau tim ở chuột và nghiên cứu sóng não của chúng. Họ phát hiện, những con chuột này có giấc ngủ sóng chậm – một giai đoạn của giấc ngủ sâu liên quan đến việc phục hồi cơ thể – dài hơn so với những con chuột không bị đau tim.

Tiếp theo, các tác giả muốn hiểu rõ điều gì gây ra hiệu ứng này. Một nơi rõ ràng để tìm kiếm là bộ não, cơ quan kiểm soát giấc ngủ, đồng tác giả Cameron McAlpine giải thích. Sau một cơn đau tim, các tế bào miễn dịch kích hoạt một đợt viêm lớn ở tim, và các nhà nghiên cứu tự hỏi liệu những thay đổi miễn dịch này có xảy ra cả trong não hay không.

Qua thí nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy, sau cơn đau tim của chuột, các tế bào miễn dịch gọi là bạch cầu đơn nhân (monocyte) đã tràn vào não.

Để xác nhận rằng các tế bào này liên quan đến sự kéo dài giấc ngủ sóng chậm, các nhà nghiên cứu đã ngăn bạch cầu đơn nhân tích tụ trong não của chuột. Kết quả là, “giấc ngủ sóng chậm ở những con chuột này không còn kéo dài sau cơn đau tim,” McAlpine nói, củng cố giả thuyết rằng việcbạch cầu đơn nhân tràn vào não góp phần kéo dài giấc ngủ sau cơn đau tim.

Để hiểu mục đích của giấc ngủ kéo dài, các nhà nghiên cứu đã liên tục làm gián đoạn giấc ngủ sóng chậm ở những con chuột đã trải qua cơn đau tim. Họ phát hiện những con chuột này có mức viêm cao hơn trong cả não và tim, và có tiên lượng tệ hơn nhiều so với những con chuột có giấc ngủ sau cơn đau tim không bị làm gián đoạn.

Các tác giả cũng nghiên cứu trên người đã trải qua hội chứng mạch vành cấp tính (acute coronary syndrome - nhóm các tình trạng gây ra bởi sự giảm đột ngột lưu lượng máu đến cơ tim). Những người báo cáo ngủ kém trong các tuần sau sự cố này có nguy cơ cao hơn phát triển cơn đau tim và các vấn đề tim mạch nghiêm trọng khác trong hai năm tiếp theo so với những người có giấc ngủ tốt.

Dựa trên những phát hiện mới, Rachel Rowe, chuyên gia về giấc ngủ và tình trạng viêm tại Đại học Colorado Boulder, cho rằng “các bác sĩ cần thông báo cho bệnh nhân về tầm quan trọng của giấc ngủ chất lượng sau cơn đau tim”.

Bà nói thêm rằng các phát hiện này làm nổi bật mối quan hệ hai chiều giữa giấc ngủ và hệ miễn dịch. “‘Nếu không ngủ đủ giấc, bạn sẽ ốm’, điều này hoàn toàn có lý.”

Nguồn: