Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Environmental Science and Technology: Air vào ngày 7/11, các nhà khoa học tại Đại học Penn State (Mỹ) phát hiện các hạt vi nhựa trong khí quyển có thể ảnh hưởng đến sự hình thành mây, từ đó tác động đến thời tiết và khí hậu.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm với bốn loại vi nhựa phổ biến trong môi trường bao gồm: polyethylene mật độ thấp (LDPE), polypropylene (PP), polyvinyl chloride (PVC) và polyethylene terephthalate (PET). Họ nhận thấy các giọt nước chứa vi nhựa kết tinh ở nhiệt độ cao hơn từ 5 đến 10°C so với những giọt nước không chứa vi nhựa.
“Nói cách khác, các hạt vi nhựa đóng vai trò như những hạt nhân, kích thích quá trình hình thành tinh thể băng bên trong đám mây ở nhiệt độ cao hơn so với thông thường. Điều này có thể ảnh hưởng đến các mô hình dự báo lượng mưa, thời tiết, và thậm chí là an toàn hàng không”, Miriam Freedman, giáo sư hóa học tại Đại học Penn State, nhận định.
Thông thường, các đám mây giúp làm mát Trái đất bằng cách phản chiếu bức xạ Mặt trời, nhưng một số đám mây ở những độ cao nhất định có tác dụng làm ấm bằng cách giữ lại nhiệt lượng phát ra từ Trái đất. Tỷ lệ giữa lượng nước lỏng và các tinh thể băng trong đám mây đóng vai trò quyết định mức độ làm ấm hoặc làm mát tổng thể. Nếu vi nhựa làm thay đổi quá trình hình thành mây, chúng có thể tác động đến khí hậu, nhưng rất khó để mô phỏng ảnh hưởng của chúng.
Nguồn: Psu.edu
Tin đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)
Quốc Hùng và nhóm tác giả