Ngày 9/11 tại Hà Nội, Bộ KH&CN và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trao giải Quả cầu Vàng cho 10 nhà khoa học trẻ xuất sắc năm nay.
Đây là giải thưởng nhằm phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ Việt Nam (không quá 35 tuổi) đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở trong hoặc ngoài nước. Giải thưởng được trao ở năm lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y - dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường; và Công nghệ vật liệu mới. Năm 2024 đánh dấu lần thứ 21 Giải thưởng được tổ chức.
Sau hơn hai tháng phát động (từ đầu tháng Sáu đến giữa tháng Tám), Giải thưởng năm nay nhận được gần 70 hồ sơ đến từ các cơ quan, đơn vị, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp - trong đó các ứng viên đến từ các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học chiếm gần 90%. Ứng viên nhỏ tuổi nhất sinh năm 2002 (22 tuổi).
Kết quả, Ban tổ chức đã lựa chọn và quyết định trao giải cho 10 nhà khoa học có thành tích xuất sắc (có bằng sáng chế, giải pháp hữu ích; có nhiều công bố quốc tế chất lượng cao thuộc danh mục Q1; giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước...), gồm:
1. TS. Ngô Khắc Hoàng (1992), Phó giáo sư, Khoa Kỹ thuật Điện, Đại học Linköping, Thụy Điển.
2. TS. Nguyễn Văn Sơn (1993), giảng viên, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. TS. Lê Kim Hùng (1990), Trưởng Bộ môn Truyền thông, Khoa Mạng máy tính và Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
4. TS. Nguyễn Phước Vinh (1994), Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Phó trưởng Khoa Dược, Trường Đại học Khoa học sức khỏe, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
5. TS. Lê Bá Vinh (1993), nghiên cứu viên, Trường Dược, Đại học Korea, Hàn Quốc.
6. TS. Võ Trường Giang (1991), Nghiên cứu viên, Viện Bền vững về hóa học, năng lượng và môi trường; Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Singapore.
7. TS. Trương Hải Bằng (1990), nghiên cứu viên, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Văn Lang.
8. TS. Phạm Thanh Tuấn Anh (1992), Phó trưởng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
9. TS. Nguyễn Viết Hương (1990), Phó trưởng Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa.
10. TS. Trần Ngọc Quang (1990), nghiên cứu viên, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Đăng số 1318 (số 46/2024) KH&PT