Một nhóm nghiên cứu Pháp đã tìm ra cơ chế đằng sau “thiên kiến tiêu cực” có thể thúc đẩy sự phát triển của các triệu chứng trầm cảm.

Tại một số thời điểm trong đời, 15-20% người sẽ trải qua trầm cảm – trạng thái đau khổ sâu sắc, kéo dài. Một trong những đặc điểm của nó là người bệnh cảm thấy vô cùng tiêu cực trước các kích thích giác quan và sự việc xảy ra trong cuộc sống. Song, 30% bệnh nhân trầm cảm lại kháng cự với cách điều trị bình thường là dùng thuốc chống trầm cảm. Muốn phát triển phương án điều trị mới, các nhà khoa học cần hiểu thêm về cơ chế đằng sau “thiên kiến tiêu cực” – thứ có thể thúc đẩy các triệu chứng trầm cảm phát triển.

Để làm sáng tỏ vấn đề này, các nhà khoa học Pháp (đến từ Viện Pasteur, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp CNRS, Khoa Tâm thần và Thần kinh Paris GHU, Inserm và CEA) đã quyết định khám phá hạch hạnh nhân và quan sát hoạt động của nó trong các giai đoạn trầm cảm qua mô hình chuột.

Các trục trặc trong hoạt động của hạch hạnh nhân khiến chúng ta có xu hướng tiêu cực rõ rệt hơn. Nguồn: iStock
Các trục trặc trong hoạt động của hạch hạnh nhân khiến chúng ta có xu hướng tiêu cực rõ rệt hơn. Nguồn: iStock

Giống như các bệnh nhân trầm cảm, mô hình chuột thể hiện hành vi lo lắng và căng thẳng (chúng không còn vệ sinh cơ thể, nằm sát tường và thích ở trong bóng tối). Chúng phản ứng kém với kích thích mùi: hầu như không còn bị thu hút trước mùi nước tiểu của chuột cái vốn bình thường rất hấp dẫn với chuột đực; và vô cùng sợ mùi của kẻ săn mồi.

Để phân tích hạch hạnh nhân hoạt động thế nào trong cơn trầm cảm, các nhà nghiên cứu đo lường hoạt động của một số mạng lưới tế bào thần kinh tham gia vào quá trình giải mã các kích thích mùi. Họ nhận thấy, trong trạng thái trầm cảm, các tế bào thần kinh có chức năng mã hóa kích thích tích cực hoạt động kém hơn bình thường, trong khi các tế bào thần kinh có chức năng mã hóa các kích thích tiêu cực hoạt động nhiều hơn đáng kể. Nói cách khác, trầm cảm dường như khiến hạch hạnh nhân gặp trục trặc trong việc mã hóa kích thích từ môi trường, và điều này lại càng khuyến khích thiên hướng cảm xúc tiêu cực thường thấy ở trầm cảm.

Nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã có thể phần nào đảo ngược thiên hướng cảm xúc tiêu cực và hành vi trầm cảm liên quan ở chuột bằng cách kích hoạt quá lên đối với các tế bào thần kinh liên quan đến việc mã hóa các kích thích môi trường tích cực. Đây là một hướng tiềm năng để phát triển các liệu pháp mới cho bệnh nhân trầm cảm và cả bệnh nhân rối loạn lưỡng cực – người mắc bệnh này sẽ có tâm trạng thay đổi thất thường.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Translational Psychiatry.

Nguồn: