Năm 2004, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã thành lập Công ty Khoa học Tự nhiên (HUSCO) nhằm hỗ trợ chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của trường. Đây là mô hình doanh nghiệp trong trường đại học đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động của HUSCO trong giai đoạn đầu vẫn còn khiêm tốn vì vướng phải những rào cản về cơ chế, nguồn lực…
Để khắc phục vấn đề này, năm 2020, Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã quyết định tái cấu trúc lại công ty, sáp nhập Trung tâm Động lực học Thủy khí Môi trường (CEFD) và Trung tâm Đào tạo và Mô phỏng tính toán Môi trường (CEMM). Cả hai đơn vị này đều xuất phát từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, có thế mạnh về nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và môi trường. Ngoài ra, HUSCO còn bổ sung thành viên liên kết là Học viện sáng tạo S3 - tổ chức cung cấp các giải pháp về chương trình giáo dục STEM từ mầm non đến các cấp phổ thông.
“Các đơn vị này đều có những đóng góp đặc biệt quan trọng cho HUSCO”, PGS.TS. Trần Ngọc Anh, Giám đốc HUSCO, phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập HUSCO ngày 12/11.
“CEFD là một trong những đơn vị nghiên cứu hàng đầu về thủy khí động lực học và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Trong hơn 25 năm hoạt động, CEFD đã thực hiện nhiều nghiên cứu và dự án quan trọng, từ việc dự báo, phân tích đến xây dựng các giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ các cơ quan quản lý địa phương và góp phần bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng trên khắp cả nước. Còn CEMM là đơn vị tiên phong trong các dự án về quan trắc, mô phỏng tính toán và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực môi trường. CEMM đã không ngừng mở rộng các dịch vụ tư vấn chuyên sâu, góp phần quan trọng trong cán cân tài chính của công ty. Học viện Sáng tạo S3 cũng là một đơn vị xuất sắc trong giáo dục STEM, đã tổ chức thành công hàng loạt hoạt động sáng tạo, khuyến khích học sinh phát triển tư duy và kỹ năng công nghệ.”
Kể từ khi tái cấu trúc, hoạt động của HUSCO có sự cải thiện rõ rệt. Trong giai đoạn 2020-2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình tái cấu trúc và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, HUSCO và các đơn vị thành viên vẫn ký kết thành công hơn 230 hợp đồng với tổng doanh thu hơn 100 tỷ đồng, tăng đều sau mỗi năm.
Bên cạnh dịch vụ tư vấn, đào tạo, những năm gần đây, HUSCO còn thương mại hóa một số sản phẩm ứng dụng do các nhà khoa học ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phát triển. Nổi bật là dòng sản phẩm nhựa sinh học S4N (Seedling for Nature) có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn thành CO2, H2O và mùn hữu cơ trong vòng 6-24 tháng, tùy thuộc điều kiện môi trường.
Một giải pháp đáng chú ý khác là trạm thời tiết nông nghiệp và giám sát côn trùng thông minh mang thương hiệu Goodeye. Hệ thống gồm các cảm biến thời tiết nông nghiệp; cảm biến quan trắc và giám sát côn trùng bằng công nghệ bẫy đèn và nhận diện hình ảnh; hệ thống phần mềm hỗ trợ cảnh báo, dự báo thời tiết nông nghiệp và khả năng phát sinh, gây hại của côn trùng, bệnh hại; hệ thống giám sát, lưu trữ, truyền tin; ứng dụng di động hỗ trợ hiển thị số liệu quan trắc và thông báo bản tin.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực song theo PGS.TS. Trần Ngọc Anh, vẫn còn rất nhiều việc cần làm để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của HUSCO và các đơn vị thành viên.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu và tư vấn khoa học, mở rộng mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa hiệu quả nghiên cứu. HUSCO cũng sẽ tăng cường các dịch vụ đào tạo và cập nhật kiến thức nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. Đồng thời, chúng tôi sẽ không ngừng nâng cao chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ hiện có, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện", PGS.TS. Trần Ngọc Anh phát biểu.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, HUSCO đã ra mắt Trung tâm ESG và Chuyển đổi xanh (CEG). [ESG là viết tắt của Environment (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp)].
Các chức năng chính của CEG bao gồm: (1) Nghiên cứu, thực hiện các dự án cung cấp và tư vấn các giải pháp về ESG và chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp, công ty niêm yết và đơn vị có nhu cầu; (2) Tư vấn về kiểm kê khí nhà kính, định giá, tính toán tín chỉ carbon và chuyển đổi doanh nghiệp theo hướng giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải và kinh tế tuần hoàn; (3) Thẩm định, mua bán kinh doanh và đầu tư tín chỉ carbon; (4) Đào tạo, nâng cao kiến thức cộng đồng (doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, sinh viên…), cung cấp thông tin và kiến thức liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, định giá và tính toán tín chỉ cacbon, thực hành ESG và chuyển đổi xanh…; (5) Nghiên cứu và triển khai, duy trì các bộ chỉ số (benchmarking) về ESG và chuyển đổi xanh để làm công cụ đánh giá ESG cho doanh nghiệp và các ngành kinh tế có liên quan.
|
Đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)