Một nghiên cứu gần đây đã tìm hiểu những yếu tố khiến người dân quyết định đóng góp tài chính cho các dự án bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
Công viên đô thị và vườn quốc gia có vai trò quan trọng trong nuôi dưỡng ý thức về môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học của một quốc gia. Một nghiên cứu của nhóm tác giả từ ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Western (Anh) và ĐH Ulsan (Hàn Quốc) đã tìm hiểu những động lực đóng góp tài chính cho việc bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường - cụ thể là các dự án trồng cây tại công viên đô thị và hoạt động bảo tồn thiên nhiên ở vườn quốc gia - của người Việt Nam. Nghiên cứu phân tích bộ dữ liệu gồm 535 cư dân đô thị được khảo sát vào cuối năm 2020.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đóng góp tài chính cho công viên đô thị và vườn quốc gia của người dân bao gồm: (i) Nhận thức về mất mát đa dạng sinh học và ý định tham quan một vườn quốc gia trong 12 tháng tới, (ii) Có trồng cây trong nhà, (iii) Tần suất đến công viên đô thị và vườn quốc gia, và (iv) Tiêu thụ thịt và sản phẩm làm từ da hoặc lông động vật hoang dã.
Các yếu tố này được chia thành ba cấp độ là Kiến thức, Hành động và Khai thác, cụ thể như sau:
Nâng cao kiến thức về bảo tồn thiên nhiên
Ở cấp độ Kiến thức, kết quả thực nghiệm cho thấy kể cả khi chưa từng tham quan vườn quốc gia nào, cư dân thành phố có ý định này trong tương lai gần vẫn có xu hướng quyên góp cho một công viên đô thị.
Tuy nhiên, nhận thức về tình trạng mất mát đa dạng sinh học lại không phải là yếu tố khiến người dân sẵn sàng đóng góp cho các dự án trồng cây ở công viên. Theo nhóm nghiên cứu, kết quả này có thể phản ảnh nhận thức có phần chưa đúng của nhiều người tham gia khảo sát về công viên. Hình ảnh vườn quốc gia vốn luôn đi liền với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng khi nhắc đến công viên công cộng, người dân thường hình dung đến các không gian xanh đô thị chủ yếu dành cho giải trí và các hoạt động xã hội mà ít thấy đây là nơi có vai trò giảm thiểu mất mát đa dạng sinh học. Vì vậy, ngay cả những người có mức độ quan tâm cao đến môi trường cũng cho rằng không cần thiết phải đóng góp cho công viên đô thị. Tuy nhiên, quan điểm này là sai lầm vì nhiều nghiên cứu đã chứng minh các công viên đô thị có đóng góp vào giảm khí nhà kính và chống lại biến đổi khí hậu.
Những phát hiện này cũng cho thấy vai trò của kiến thức về môi trường và bảo tồn thiên nhiên trong việc thúc đẩy các hành động tương ứng. Nghiên cứu đề xuất để khuyến khích người dân đóng góp tài chính cho việc bảo vệ thiên nhiên, điều quan trọng là phải khơi dậy ý định thăm các khu bảo tồn và tuyên truyền về tầm quan trọng của các công viên nói chung thông qua phim tài liệu về thiên nhiên, chương trình truyền thông hoặc quảng bá các chuyến du lịch sinh thái đến các vườn quốc gia.
Tăng cường kết nối với không gian xanh
Ở cấp độ Hành động, hai biến số tần suất thăm các công viên công cộng và vườn quốc gia có ảnh hưởng rõ rệt đến quyết định quyên góp cho những địa điểm này. Điều này phù hợp với lý thuyết về sự kết nối với thiên nhiên (theory of nature connectedness), trong đó sự kết nối nhiều hơn đồng nghĩa với nhận thức cao hơn và sự sẵn sàng đóng góp lớn hơn.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đánh giá ở Việt Nam, người dân đang ngày càng ít kết nối với thiên nhiên hơn. Theo đó, trẻ nhỏ có thể được tiếp xúc với thiên nhiên qua các chuyến đi công viên, tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc về quê thăm ông bà, nhưng khi lớn lên, áp lực học hành và lối sống thường hạn chế cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên của trẻ em sống ở khu vực đô thị. Với người trưởng thành, văn hóa làm việc áp lực ở các đô thị càng khiến họ có rất ít thời gian rảnh rỗi để gắn kết với thiên nhiên.
Từ đó, các tác giả khuyến nghị Chính phủ nên khuyến khích việc tiếp xúc với thiên nhiên bằng cách kết hợp không gian xanh vào các dự án quy hoạch và phát triển đô thị và đảm bảo chúng dễ tiếp cận với người dân. Các không gian này nên được đặt ở các khu vực chiến lược trong các khu dân cư hoặc gần các trung tâm giao thông công cộng; cơ sở hạ tầng cho người đi bộ và làn đường dành cho xe đạp cũng cần được bổ sung để khuyến khích người dân sử dụng các không gian xanh. Các chương trình ngoại khóa và tham quan có thể đưa học sinh đến các vườn quốc gia, vườn bách thảo hoặc các địa điểm sinh thái để tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm thiên nhiên.
Ngoài ra, còn có mối tương quan chặt chẽ giữa việc trồng cây trong nhà và sự sẵn lòng quyên góp cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại vườn quốc gia. Những người trồng cây trong nhà thường có tình yêu thiên nhiên và mức độ quan tâm nhất định đến môi trường.
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Ở cấp độ Khai thác, nhóm nghiên cứu phát hiện những người thường xuyên ăn thịt thú rừng và/hoặc từng tiêu thụ các sản phẩm từ thiên nhiên hoặc động vật hoang dã ít sẵn sàng đóng góp cho các dự án trồng cây tại công viên công cộng. Ở Việt Nam, việc ăn thịt thú rừng và sử dụng các sản phẩm từ động vật không bị nghiêm cấm, và các biện pháp can thiệp tập trung hạn chế nguồn cung đã được chứng minh là không hiệu quả. Do đó, nghiên cứu đề xuất Chính phủ nên tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng thịt thú rừng và các sản phẩm làm từ động vật, không chỉ ở phía cung mà cả phía cầu, và nâng cao nhận thức của công chúng về hậu quả của những hành động này.
Phát hiện này còn cho thấy văn hóa tiêu dùng và lối sống có thể là một chỉ báo tốt về trách nhiệm của cá nhân với môi trường.
Nhóm tác giả đề xuất có thể tích hợp trực tiếp các phát hiện từ nghiên cứu này vào việc thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
—
Nguồn: