Nền địa chất yếu, cùng với tác động từ các hoạt động xây dựng, giao thông và khai thác nước ngầm là những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sụt lún đất tại TPHCM với tốc độ từ 2 – 5cm mỗi năm.
Tại hội thảo “Thực trạng vấn đề sụt lún đất và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế bền vững của TPHCM”, do Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức ngày 8/11, ThS. Nguyễn Thanh Nhuận, Phòng Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, theo khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) mới đây, tình trạng sụt lún nền đất ở TPHCM diễn ra liên tục từ năm 1990 đến nay, với độ lún tích lũy ước tính khoảng 100cm. Tốc độ lún hiện nay khoảng 2-5cm mỗi năm. Riêng những khu vực tập trung như các công trình thương mại, tốc độ lún khoảng 7-8cm mỗi năm.
Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1cm mỗi năm). Sụt lún đất kết hợp với triều cường và nước biển dâng làm cho nguy cơ TPHCM ngày càng "chìm dần" và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của TPHCM.
Theo số liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019, một số vị trí có độ lún lớn trong giai đoạn 2005 - 2017, gồm: phường An Lạc, phường Tân Tạo A (quận Bình Tân) lún gần 82cm và thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) lún gần 49 cm. Còn nếu tính trên phạm vi toàn TPHCM, diện tích vùng lún nhanh trên 15 mm/năm là gần 148 km2, vùng lún tương đối nhanh từ 10 - 15 mm/năm là 223 km2 và vùng lún trung bình từ 5 - 10 mm/năm là 295 km2. Như vậy, tổng diện tích các vùng bị lún vào khoảng 666 km2 trên tổng diện tích thành phố gần 2.100 km2 (tương đương khoảng 32%). So với giai đoạn năm 1996 - 2014, khu vực quận 8, quận 12 và huyện Bình Chánh vẫn tiếp tục lún, đồng thời xuất hiện nhiều vùng lún mới ở các huyện: Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và các quận: 6, Tân Phú, Phú Nhuận, Bình Thạnh.
Ông Nhuận cho biết, qua các công trình nghiên cứu về sụt lún trên địa bàn TPHCM, các nhà khoa học xác định có bốn nguyên nhân chính gây sụt lún ở TPHCM. Đầu tiên là nguyên nhân khách quan thuộc về nền địa chất yếu. Theo đánh giá sơ bộ, những vùng có tốc độ lún cao trên 1cm/năm là những nơi có nền địa chất yếu. Những nơi này vẫn lún đều đặn theo từng năm, kể cả khi không có các hoạt động xây dựng, giao thông hoặc khai thác nước ngầm.
Thứ hai là do tác động của hoạt động giao thông. Những vùng có tần suất hoạt động giao thông lớn, nhiều xe tải trọng nặng đi qua thì lún nhiều hơn các nơi khác.
Tiếp theo là do tác động của công trình dân dụng (nhà, cao ốc, chung cư). Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy tác động chỉ mang tính nhất thời trong quá trình thi công, sau đó bề mặt sẽ ổn định, không bị lún hoặc lún rất ít theo thời gian.
Cuối cùng là tác động của khai thác nước ngầm. Trước năm 2010, đây được đánh giá là nguyên nhân chính gây sụt lún ở vùng Gò Vấp, Tân Bình, quận 12, Củ Chi. Tuy nhiên hiện nay, Thành phố đã hạn chế tối đa khai thác nước ngầm và thực tế quan trắc cho thấy những vùng đang được khai thác nước ngầm vẫn ổn định, có tốc độ lún không cao do công suất khai thác cho phép thấp, được kiểm soát, không gây ra hiện tượng sụt giảm mức nước ngầm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết, lãnh đạo TPHCM đặc biệt quan tâm đến vấn đề sụt lún trong bối cảnh địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, Thành phố rất cần một hệ thống có thể thường xuyên giám sát và dự báo về tình hình hình sụt lún nền đất, nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế, xã hội.
PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết, có nhiều phương pháp được sử dụng trong đo lường tác động sụt lún như đo bằng máy kinh vĩ; khoan sâu vào lòng đất và đo sự biến dạng của đáy lỗ khoan so với về mặt đất; khoan trắc mặt lún đất; trạm khoan trắc lún nông; kỹ thuật InSAR theo dõi lún về mặt,... Theo TS Kỳ, mỗi phương pháp có những điểm mạnh và hạn chế riêng, cách tiếp cận tốt nhất là nên kết hợp các phương pháp này khi tiến hành đo sụt lún.
Tổ công tác Chuyển đổi số TPHCM đề xuất xây dựng bản đồ số TPHCM (HCMC Onemap) dưới dạng lưới vector, đã được ứng dụng nhiều và chứng minh tính hữu dụng trên thế giới. Thành phố nên tận dụng nguồn dữ liệu bản đồ số của mình và các nguồn dữ liệu khác hiện có từ các cơ quan nhà nước và cộng đồng để xây dựng một nền tảng bản đồ số TPHCM, làm nền tảng cho các ứng dụng mới, đột phá.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn gợi ý một số giải pháp kỹ thuật để theo dõi, giám sát quá trình sụt lún đất tại TPHCM như kỹ thuật insar trong sụt lún đất, trí tuệ địa không gian trong quản lý đô thị thông minh…, cùng với các giải pháp hạn chế tình trạng sụn lún đất như tăng cường xây dựng các công trình cấp nước sạch từ các nguồn khác như thu gom nước mưa, xử lý nước thải tái sử dụng, gia tăng hạ tầng xanh, thay vì chỉ khai thác nước ngầm...
Tin đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)