Hai giống cỏ được trồng thử nghiệm có nhiều ưu điểm vượt trội như cho chất lượng và năng suất tốt, đặc biệt là phù hợp điều kiện khô hạn.

Chăn nuôi gia súc ăn cỏ là thế mạnh tại một số huyện của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, điểm hạn chế là hiện nay là chưa có nhiều đánh giá về khả năng sinh trưởng, sức chống chịu, đặc biệt là khả năng chịu hạn của các giống cỏ làm thức ăn cho gia súc. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để chế biến dự trữ và gia tăng giá trị dinh dưỡng của thức ăn thô xanh cũng chưa được chú trọng.

Để khắc phục những hạn chế trên, Sở KH&CN Tiền Giang đã đặt hàng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia súc lớn triển khai đề tài "Tuyển chọn và trồng thử nghiệm một số giống cỏ sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng tốt làm thức ăn chăn nuôi gia súc ăn cỏ phù hợp điều kiện tự nhiên tại địa phương". Hai giống cỏ được lựa chọn trồng thử nghiệm là Hamil và Mommasa, tại các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông.

Trong đó, giống cỏ Hamil hay còn gọi là cỏ sả lá lớn, có nguồn gốc từ Kenya (Đông Phi), được nhập vào Việt Nam từ những năm 1990. Hiện nhiều nước trên thế giới trồng cỏ Hamil làm thức ăn gia súc. Cỏ trồng một lần có thể khai thác 5-6 năm, có khả năng chịu hạn 4-5 tháng, năng năng suất cao, có thể sử dụng cho nhiều loại gia súc khác nhau, đặc biệt phát triển tốt trong mùa đông. Cỏ Mommasa xuất xứ từ Thái Lan, dễ trồng, dễ chăm sóc, chịu hạn tốt, có thể chịu bóng của các loại cây ăn quả cũng như cây công nghiệp.

th
Thử nghiệm trồng cỏ Hamil và Mommasa. Ảnh: NNC

Theo kết quả trồng thử nghiệm, hai giống cỏ này cho chất lượng và năng suất tốt, đặc biệt là phù hợp điều kiện khô hạn. Năng suất cỏ đạt trên 25 tấn/ha/lứa cắt. Đặc biệt, năng suất đạm đạt 0,5 tấn/ha/lứa cắt (50 – 60 ngày). Lợi nhuận mang lại từ 30-50 triệu đồng/năm.

Một hộ nuôi dê ở xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông cho biết, khi trồng hai giống cỏ này, dưới mặt đất không có loại cỏ tạp nào mọc lên. Đây cũng là những loại cỏ mà dê thích ăn hơn các loại cỏ khác như cỏ voi, cỏ lông tây,…

Đối với các hộ chăn nuôi bò ở huyện Gò Công Đông, qua ba năm trồng thử nghiệm, hai giống cỏ này đã phát huy hiệu quả nhờ nhưng ưu điểm vượt trội như chống chịu được bệnh, hạn hán, mưa ngập, năng suất cao hơn những giống cỏ khác và bò thích ăn bởi lá và thân cỏ mềm.

Ủu
Ủ cỏ cho bò ăn. Ảnh: NNC

Ngoài việc hỗ trợ các hộ dân trồng thử nghiệm hai giống cỏ mới, nhóm thực hiện đề tài còn nghiên cứu và chuyển giao quy trình ủ chua cỏ xanh với 0,5% muối ăn và 3% rỉ mật. Bổ sung 25% cỏ ủ chua vào trong khẩu phần cho kết quả tốt nhất về khả năng tăng trọng của bò và dê thịt, cụ thể tăng trọng 726g/ngày/con bò và 128g/ngày/con dê.

Đề tài đã được Sở KH&CN Tiền Giang nghiệm thu, kết quả đạt, có thể nhân rộng để góp phần đảm bảo cung ứng đủ nguồn thức ăn cho gia súc trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp hiện nay.


Đăng số 1317 (số 45/2024) KH&PT