Những khu vực xuất hiện bão tố, lũ lụt và các thiên tai khác hoành hành thường có nguy cơ xuất hiện những chuyện tâm linh như nhìn thấy hồn ma. Điều này là do người dân bị chấn thương tâm lý và tiếp xúc với hóa chất độc hại trong các tòa nhà đổ nát.

Sau các vụ cháy rừng, bão lốc, những trận lũ lụt chưa từng thấy trong lịch sử, các câu chuyện ma dường như đang trỗi dậy. Trên khắp các vùng miền chịu ảnh hưởng tàn khốc nhất từ thiên tai, người ta đồn đại, truyền tai nhau về những cảnh tượng kỳ lạ như nhìn thấy hình bóng người đã khuất. Dường như, sự hiện diện của hồn ma bóng quế phản ánh nỗi đau mà những sự kiện này để lại.

Bà Leslie Hartley Gise, một chuyên gia trong lĩnh vực tâm thần học thảm họa, cho biết nỗi đau buồn gây tác động mạnh mẽ tới não bộ. Bà Gise từng tư vấn cho những người sống sót sau trận cháy rừng tại Hawaii năm ngoái. “Mọi người nhìn thấy và nghe thấy những người thân yêu đã mất. Họ nghĩ mình đang phát điên”.

Tuy nhiên, các nhà tâm lý học cho rằng những sự kiện siêu nhiên như vậy có thể phản ánh cách mọi người xử lý nỗi mất mát quá lớn như thế nào. Chẳng hạn, trong tháng đầu tiên xảy ra tình trạng phong tỏa do đại dịch COVID-19 ở Vương quốc Anh, Liên minh Quốc gia các Nhà tâm linh – tổ chức tin rằng chúng ta có thể giao tiếp với người đã khuất – cho biết các đơn xin gia nhập tăng đột biến tới 325%.

Sau những thảm họa như vụ cháy ở Maui mới đây, lũ lụt ở Libya và trận động đất và sóng thần Tohōku ở Nhật Bản, những người sống sót thường báo cáo về những sự kiện gây lo lắng và không thể giải thích được. Tương tự, trong trận đại dịch vừa qua, những người trừ tà và các nhà điều tra hiện tượng huyền bí Công giáo tiết lộ số lượng người tìm tới dịch vụ của họ tăng mạnh.

Trong bối cảnh nhiều vụ thảm họa tiếp tục tác động tới đời sống của chúng ta, mối quan tâm ngày càng lớn mạnh về hiện tượng siêu nhiên làm dấy lên câu hỏi: liệu niềm tin vào hồn ma có gia tăng như vậy?

Chấn thương tâm lý tạo ra hồn ma?

Các nhà tâm lý học nghiên cứu tôn giáo từ lâu đã nghi ngờ rằng niềm tin vào điều huyền bí có thể là tấm lá chắn bảo vệ người sống sót khỏi những sự thật khắc nghiệt. Khi có một điều bất ngờ xảy tới như tử vong, thiên tai, não bộ sẽ loay hoay tìm kiếm câu trả lời, ý nghĩa của mất mát trong cơn hỗn loạn.

Ở cấp độ sinh học, đau buồn và chấn thương tâm lý có thể kích thích giải phóng cortisol và các hormone gây căng thẳng khác, dẫn đến những triệu chứng như tình trạng thiếu ngủ và quá tải giác quan. Những yếu tố này có thể góp phần gây ra các chứng ảo giác mà có cảm giác chân thực như ký ức có thật, điều này có thể giải thích vì sao nhiều người trong lúc đau buồn lại nhìn thấy hay nghe thấy những người thân yêu đã khuất.

Trong các vùng thảm họa, cảm giác không chân thực tăng mạnh. Tiếng còi báo động hú inh ỏi, ánh đèn nhấp nháy và cảnh tượng kỳ lạ của những ngôi trường và đường phố hoang tàn – tất cả khiến chúng ta căng thẳng, dẫn dắt chúng ta nhận thức những thứ không tồn tại.

Thêm vào đó, tình trạng đổ nát của nhà cửa, cơ sở hạ tầng sau trận thiên tai có thể khiến những cảm giác này thêm trầm trọng. Những tòa nhà sụp đổ và các khu công nghiệp đang cháy tỏa ra hóa chất độc hại như thủy ngân, arsen hoặc thuốc trừ sâu. Những chất gây ô nhiễm như vậy có thể thẩm thấu vào nguồn cung cấp nước và gây ảo giác hay thậm chí cả các cơn co giật mà trước đó người bệnh sẽ có “cảm giác như ngày tận thế sắp tới”.

Khi cộng đồng chật vật tái thiết, đồng ruộng không ai coi sóc cũng có thể góp phần gây ra cảnh tượng ma quái. Nguyên do là cây trồng đang mục rữa có thể mọc ra nấm cựa gà, một loại nấm có thể ảnh hưởng mạnh tới thần kinh mà một số nhà nghiên cứu tin rằng nó đóng vai trò trong cơn kích động săn phù thủy của người Thanh giáo vào những năm 1960 ở Salem, Massachusetts.

Cảnh tượng đổ nát, chất độc rò rỉ và nỗi đau thương khiến nhiều người có trải nghiệm nhìn thấy hồn ma. Nguồn: DALL-E
Cảnh tượng đổ nát, chất độc rò rỉ và nỗi đau thương khiến nhiều người có trải nghiệm nhìn thấy hồn ma. Nguồn: DALL-E

Sức mạnh bền bỉ của những câu chuyện ma

Các nhà nhân chủng học Christine và Todd VanPool từ Đại học Missouri cho rằng các câu chuyện ma tồn tại trong các nền văn hóa không chỉ là truyện gây sợ hãi, mà chúng còn là những công cụ mang tính biểu tượng và thực tế. Trong cuốn sách An Anthropological Study in Spirits gần đây, họ đề xuất rằng chuyện dân gian thường có vai trò bảo vệ cộng đồng, đôi khi cảnh báo họ tránh xa những địa điểm hay con người nguy hiểm. Các hồn ma “có thể được coi là những mối nguy hiểm ẩn dụ cảnh báo chúng ta tránh khỏi lòng tham, giận dữ hoặc các đặc điểm phản xã hội khác”, Christine cho biết.

Tuy nhiên, hồn ma hiện ra không phải lúc nào cũng là con người, theo Todd. Ở một số vùng, như dãy núi Alps ở Thụy Sĩ-Ý, một số cư dân “nhìn nhận nơi bị ma ám liên quan tới một số hình thức thương tiếc” do “dòng sông băng cụ thể đã mất đi”. Ông cho biết thêm đây là hiện tượng thường gặp trên khắp thế giới khi các cộng đồng đối mặt với cảnh quan thay đổi thảm khốc.

Nhưng vì sao nhiều xã hội dường như sẵn sàng chủ động hù dọa mình như vậy? “Các câu chuyện ma có thể khiến cộng đồng gắn bó với nhau”, Christine giải thích. Mối gắn kết xã hội hình thành từ một câu chuyện được truyền qua nhiều thế hệ có thể củng cố các hệ thống niềm tin xã hội, đảm bảo các nghi lễ được tuân thủ, hoặc thúc đẩy cộng đồng đồng lòng chung sức hoàn thành công việc của người đã khuất.

Điều này đặc biệt quan trọng trong các thời điểm diễn ra khủng hoảng. Ví dụ, sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái, những người sống sót đã gặp khó khăn khi thương tiếc người thân một cách phù hợp giữa cảnh đổ nát. Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo về “chấn thương thứ cấp” lan rộng, với nhiều người “không thể chôn cất thi thể”. Trong những trường hợp như vậy, kể chuyện sẽ giúp giữ vững hy vọng và ký ức.

Sau trận sóng thần và thảm họa hạt nhân tại Nhật vào năm 2011, kaidankai — truyền thống kể chuyện ma trong cộng đồng – đã hồi sinh. Nhà báo Richard Loyd Parry, người đã viết về thảm họa này trong Ghosts of the Tsunami, đã mô tả những người sống sót tích cực mong chờ nhìn thấy linh hồn của người thân, tìm kiếm kết nối và buông xuống nỗi đau.

Ảnh hưởng tâm lý của những thảm họa này không chỉ giới hạn ở nơi xảy ra sự cố. Sau trận sóng thần năm 2011, bà Gise nhớ lại các đồng nghiệp của mình đã được kêu gọi giúp đỡ cộng đồng người Nhật ở Hawaii, họ đã bị sốc trước các sự kiện xảy ra ở bên kia Thái Bình Dương.

Bà cho biết với nhiều người, những tình trạng như vậy có thể gia tăng “trải nghiệm” nhìn thấy ma, và nhận định tình hình này sẽ diễn ra nhiều hơn. Thông tin sai lệch và mức độ lo lắng cao có thể khiến những người sống sót nhạy cảm dễ quay lại sử dụng rượu và những loại thuốc tác động lên thần kinh, thay đổi trạng thái tâm trí như thuốc gây ảo giác hoặc thuốc an thần.

Nguồn:

National Geographic, BBC

Đăng số 1317 (số 45/2024) KH&PT