Trong ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP29) tại Azerbaijan (ngày 11/11), các bên tham gia đã thông qua những tiêu chuẩn mới của Liên Hợp Quốc về thị trường carbon quốc tế, đánh dấu một bước tiến quan trọng giúp các nước có thể giao dịch tín chỉ carbon nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Mặc dù vẫn còn một số khía cạnh quan trọng trong khung quy định tổng thể cần thảo luận thêm, nhưng quyết định vừa thông qua tại COP29 đã giúp hình thành một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu chất lượng cao do Liên Hợp Quốc giám sát và hỗ trợ, nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình giao dịch.
Tín chỉ carbon là kết quả từ các hoạt động cắt giảm hoặc ngăn chặn phát thải khí nhà kính, như trồng cây, bảo vệ các bể chứa carbon, hoặc thay thế than gây ô nhiễm bằng các nguồn năng lượng sạch thay thế. Một tín chỉ tương đương với một tấn khí CO2 gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu được ngăn chặn hoặc loại bỏ.
Kể từ Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015, Liên Hợp Quốc đã xây dựng các quy tắc để cho phép các quốc gia và doanh nghiệp trao đổi tín chỉ carbon. Khi thị trường carbon hoạt động, các quốc gia giàu có và phát thải nhiều khí nhà kính có thể bù đắp lượng khí thải của mình bằng cách mua tín chỉ từ các quốc gia đã cắt giảm lượng khí thải vượt mức cam kết ban đầu.
Các tiêu chuẩn mới của Liên Hợp Quốc sẽ tạo điều kiện cho việc tính toán chi tiết số lượng tín chỉ mà một dự án có thể nhận được một cách minh bạch và đáng tin cậy.
Nguồn: AFP
Tin đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)
Quốc Hùng và nhóm tác giả