Trước đây người ta cho rằng bệnh gút (gout) thường liên quan đến việc uống quá nhiều rượu hoặc ăn uống không lành mạnh, nhưng một nghiên cứu mới trên quy mô lớn cho thấy gene di truyền đóng vai trò chính trong việc gây ra tình trạng viêm khớp này.
Trong bài báo khoa học được công bố trên tạp chí Nature Genetics vào tháng 10/2024, Tony Merriman tại Đại học Otago (New Zealand) và các cộng sự đã phân tích dữ liệu DNA của 2,6 triệu người, trong đó bao gồm 120.295 người mắc bệnh gút.
Bằng cách so sánh mã di truyền của những người mắc bệnh gút với những người khỏe mạnh, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 377 vùng DNA có những biến thể đặc trưng liên quan đến bệnh gút, trong đó có 149 vùng chưa từng được biết đến trước đây.
“Dù các yếu tố lối sống và môi trường vẫn có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh gút, nhưng dữ liệu phân tích cho thấy gene di truyền mới là yếu tố mang tính quyết định liệu một người có bị bệnh gút hay không”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Bệnh gút xảy ra khi bệnh nhân có nồng độ axit uric cao trong máu, dẫn đến sự hình thành các tinh thể sắc nhọn trong khớp. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bắt đầu tấn công những tinh thể này, nó sẽ gây đau đớn và khó chịu đáng kể cho người bệnh. Gene di truyền ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý axit uric và đáp ứng miễn dịch với các tinh thể này.
Ngoài việc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh gút, nghiên cứu của Merriman và cộng sự đã mở ra nhiều hướng đi mới trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị bệnh gút, đặc biệt là điều chế các loại thuốc mới để kiểm soát phản ứng miễn dịch của cơ thể trước sự tích tụ của axit uric.
Nguồn: Sciencealert.com
Đăng số 1317 (số 45/2024)KH&PT
Quốc Hùng và nhóm tác giả