Trong "Lịch sử vợ", Marilyn Yalom dựng lên một bức tranh đa dạng, muôn màu về vợ thoát ra khỏi những khuôn mẫu thường thấy.



Tôi đã chứng kiến rất nhiều người bật cười, hoặc tủm tỉm mím chi, hoặc hồn nhiên khoái chí, khi thấy nhan đề của cuốn sách này: “Lịch sử vợ”. Một bạn đọc thậm chí còn bình luận: tên sách thiếu một chữ, đó là chữ “sợ” (lẽ ra phải là “Lịch sử sợ vợ” mới đúng). Phản ứng trên đến từ nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân dễ thấy nhất có lẽ là vì trong diễn ngôn đại chúng, vợ thường là đối tượng để vui đùa, bỡn cợt, với nhiều cung bậc, sắc thái, vừa tự trào, vừa phóng đại, vừa giễu cợt mỉa mai. Những diễn ngôn vật hóa, tình dục hóa người vợ như “Vợ là cơm nguội của ta/ Lại là phở tái của cha láng giềng” (được cho là thơ của Bảo Sinh), hay thú hóa “loài sinh vật” mang tên “vợ” này, chẳng hạn thành “cọp cái”, “sư tử”, “bà chằn”... có thể được tìm thấy ở khắp mọi không gian, cả trên mạng lẫn ngoài đời thực, tại Việt Nam thế kỷ XXI.

Thế nhưng, điều ta sẽ được đọc trong cuốn sách này là “vợ” trở thành một đối tượng của nghiên cứu khoa học. Bằng vô số khảo cứu hết sức công phu, những câu chuyện thú vị, bao quát từ thế giới cổ đại cho đến hiện đại, tác giả nói với chúng ta rằng, “vợ” là một phạm trù có tính lịch sử.

“Sử tính” của vợ ít nhất gắn với hai điều. Thứ nhất, các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội hình thành nên hoàn cảnh làm vợ, cùng những kiến tạo văn hóa quy định thế nào là vợ tốt/ vợ xấu thay đổi theo thời gian, không gian, văn hóa. Không có một quy chuẩn duy nhất, bất biến cho điều này. Thời Trung cổ, vợ được dạy phải xấu hổ nếu bộc lộ ham muốn dục tình, thậm chí sau đó được các bác sĩ miêu tả như là người vô tính. Đến thời hiện đại, diễn ngôn tiêu dùng lại khiến người vợ lo lắng nếu họ không có ham muốn. Thời kinh tế suy thoái, vợ được khuyên không nên đi làm, cướp công việc của đàn ông, làm mất đi nam tính, sự tự tin của họ. Đến khi chiến tranh nổ ra, vợ lại được khuyến khích phải lao động bên ngoài nhà mới là yêu nước, yêu chồng và sớm đưa chồng trở về... Thứ hai, cách những người vợ nhận thức về bản thân mình và xoay sở trong định chế hôn nhân, gia đình, cũng như tuân phục và thách thức các kỳ vọng, khuôn mẫu ở các thời đại cũng khác nhau.

Trong cuốn sách, Marilyn Yalom dựng lên một bức tranh đa dạng, muôn màu về vợ thoát ra khỏi những khuôn mẫu thường thấy.

Cuốn sách mở đầu bằng cuộc trao đổi trên mục tâm sự bạn đọc “Abby thân mến”[1] của tờ báo San Francisco Chronicle, nói lên trăn trở của một người mẹ đơn thân, dù đã tìm được người đàn ông yêu thương, tận tụy và trách nhiệm, thương con cô ấy như con mình, chu cấp đầy đủ về kinh tế, song cô vẫn không muốn kết hôn vì không có được cảm giác yêu, và Abby khuyên cô nên chia tay vì hôn nhân được xem là kéo dài mãi mãi, và mãi mãi là quá dài đối với người phụ nữ để chấp nhận một cuộc sống không có tình yêu. Từ cuộc sống được xem là khá thuận lợi, dễ dàng, mang lại quyền tự do lựa chọn, quyền lấy mình làm trung tâm trong cân nhắc về hôn nhân cho người phụ nữ phương Tây thế kỷ XX, tác giả đi ngược dòng thời gian, trở về hoàn cảnh của những người vợ từ thời Cổ đại, qua thời Trung cổ, Phục hưng, đến thời Cộng hòa, và mở ra viễn tượng về người vợ mới cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.

Marylin Yalan (1932 - 2019) là tác giả của nhiều tác phẩm về lịch sử phụ nữ. Lịch sử vợ là cuốn sách thứ hai của bà được xuất bản ở Việt Nam, sau Lịch sử Vú. Ảnh: INT
Marylin Yalom (1932 - 2019) là tác giả của nhiều tác phẩm về lịch sử phụ nữ. "Lịch sử vợ" là cuốn sách thứ hai của bà được xuất bản ở Việt Nam, sau "Lịch sử vú". Ảnh: INT

Theo dòng mô tả, kể chuyện của Marilyn Yalom, ta có khoái cảm của người không chỉ đi qua các khu trong bảo tàng nhiều màu sắc, mà đôi khi còn như được xem những thước phim sống động, mở rộng tầm hiểu biết của mình. Ta biết được, trong Kinh Thánh, bên cạnh vợ ngoan đạo như Sarah, còn có vợ dám chửi chồng và nguyền rủa Thiên Chúa như vợ của Job. Thời Hy Lạp, bên cạnh người vợ chỉ có thể làm bạn với phụ nữ, nhìn chồng đi đến nơi công cộng, đi tìm tình yêu đích thực với trai trẻ, còn có người vợ có được hạnh phúc ái ân, niềm vui tươi mới của chuyện trò “bên gối” như Penelope. Từ rất lâu ở La Mã, tình cảm vợ chồng với nhau trong hôn nhân đã được coi là điều đáng ham muốn, và có những cặp vợ chồng huyền thoại đồng sinh đồng tử như Antony và Cleopatra (hình ảnh nhân vật được tôi lựa chọn lấy làm chủ đề cho bìa của sách này). Thời Trung cổ, dù diễn ngôn tôn giáo bao trùm đời sống xã hội ca tụng sự trinh trắng và tìm cách đè nén, khiến con người xấu hổ che giấu khoái lạc trong tình dục, song vẫn có những người vợ đồng thời là viện mẫu để lại bằng chứng về khát khao nhục cảm mãnh liệt đối với chồng. Kỳ lạ thay, đây cũng chính là thời kỳ ra đời tình yêu lãng mạn kiểu hiệp sĩ, gắn với một thể loại văn học được xem là do phụ nữ tạo ra. Thời Phục hưng nổi lên với những cải cách về tôn giáo và hôn nhân của Luther, tiếng nói đòi tình yêu tự do chống lại sự sắp đặt của phụ huynh trong sáng tác của Shakespeare... Tất cả lịch sử dài ấy đã nhen nhóm ngọn lửa khao khát tự do để rồi những người vợ thời Cộng hòa, thời Victoria và thời hiện đại đấu tranh cho quyền theo đuổi mơ ước, lý tưởng cá nhân bất chấp những nghĩa vụ tròng lên cổ cột họ dưới mái nhà, quyền được đứng ngang hàng với chồng trong các quyết định, quyền có tư cách pháp nhân trước pháp luật, quyền sở hữu tài sản, giám hộ con cái, ly hôn, tránh thai, phá thai, quyền lao động....

Cuốn sách, giống như một cuốn bách khoa thư, cho ta biết về đời sống muôn hình vạn trạng các kiểu vợ trong những cảnh ngộ, trạng thái khác nhau, từ vợ linh mục đến vợ những người đàn ông thế tục, từ vợ tổng thống đến vợ dân thường, thương nhân và thợ thủ công, từ vợ da trắng đến da đen, da màu, vợ công dân tự do và vợ nô lệ, vợ quý tộc và vợ nông dân... Bên cạnh đó là các phong tục trong đám cưới, từ của hồi môn đến đưa cô dâu vào giường cưới. Hôn nhân vốn ban đầu là một định chế nhằm tạo ra những đứa con hợp pháp cho người đàn ông, để thừa kế tước vị, dòng họ cũng như ổn định xã hội, tức là một định chế có tính chất gia trưởng trong đó phụ nữ bị xem là tài sản/vật sở hữu, người mang lại những sự phục vụ về tình dục, sinh con đẻ cái, làm đầu bếp, quản gia, người chăm sóc, người phụ tá cho sự nghiệp của chồng, người giáo dục con trẻ thành công dân tốt... bên cạnh nhiều vai trò khác, và bản thân họ luôn ở địa vị thấp hơn.

Bằng những dữ liệu thực tế, tác giả cũng mang lại cho ta nhiều hiểu biết về những người vợ trong lịch sử vượt ra khỏi các khuôn mẫu (stereotype) thường thấy về vai trò này, thách thức các hình dung thông thường của chúng ta. Ta nghĩ rằng thời Trung cổ, người đàn bà chỉ nên chung thủy với một ông chồng thì mới có hạnh phúc hoặc được kính trọng ư? Vậy thì hãy đọc nội dung “Người vợ xứ Bath” để hiểu Chaucer kể, dù với giọng hài hước, về người đàn bà từng làm phép cưới không dưới năm lần, và khi người chồng cuối cùng tuyên bố dành cho cô quyền làm tất cả những gì cô mong muốn trong suốt quãng đời còn lại, tổ ấm của họ đã yên ổn (tr. 145). Ta nghĩ rằng nghĩa vụ đương nhiên của vợ là đáp ứng nhu cầu của chồng về mặt tình dục, như là điều tối thiểu nếu muốn duy trì cuộc hôn nhân ư? Hãy đọc phần kể về Margery Kempe, Mary xứ Oignies.... để biết họ và những người phụ nữ khác, bằng đức tin mạnh mẽ, đã thuyết phục được chồng đồng ý cho mình sống đời sống khiết tịnh trong khi vẫn duy trì hôn nhân như thế nào (tr. 145-151). Ta nghĩ rằng người vợ chỉ nên ở trong nhà và gắn với tổ ấm, với nồi niêu xoong chảo và việc nuôi dạy con cái thôi ư? Nếu vậy hãy đọc chương nói về những nhà hoạt động nữ quyền, người đấu tranh cho quyền bầu cử, quyền tránh thai, phá thai của phụ nữ đồng thời là vợ như Elizabeth Cady Stanton, Margaret Sanger hay những người vợ đóng tàu, tán đinh, lái xe... thời chiến. Thế còn vợ có nhân tình và tận hưởng niềm hạnh phúc ngoài hôn nhân, vợ tự do bộc lộ ham muốn thể xác, vợ sống thuần túy đời sống trí tuệ, viết lách, sản xuất tri thức...? Những chủ đề này cũng được bàn bạc thấu đáo trong suốt cuốn sách bằng góc nhìn nhiều chiều. Điều đáng quý là không chỉ nói về người vợ dị tính, tác giả còn dành một dung lượng nhất định để nói về các gắn kết đồng tính, từ tình yêu nam – nam ở thời Cổ đại Hy Lạp đến những ông vua lấy “vợ” là nam giới thời Trung cổ, đến các hình thức “chung sống dân sự” thời hiện đại.

Độc giả từng đọc “Lịch sử vú” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022) hẳn đã quen với giọng văn vừa giản dị vừa hài hước của học giả Marilyn Yalom. Trong cuốn sách này, ta sẽ gặp lại văn phong trên, bên cạnh những câu chuyện cười phổ biến về chồng (như là đối trọng với vô thiên lủng các câu chuyện cười về vợ).

Trong tương quan với các nhà nữ quyền nghiên cứu về địa vị của phụ nữ kết hôn, có thể nói Marilyn Yalom có một quan điểm tương đối lạc quan về địa vị, điều kiện làm vợ. “Lịch sử vợ” như được bà trình bày trong sách cũng là tiến trình trong đó người phụ nữ từng bước giành được quyền tự chủ trong lao động và tình dục – những điều quyết định tự do của họ.

-----

[1] “Abby thân mến” là mục tâm sự bạn đọc nổi tiếng, có lượng độc giả lớn do Pauline Phillips viết dưới bút danh Abigail Van Buren (được cho là kết hợp giữa Abigail, tên của nhân vật trong Kinh Thánh, với họ của tổng thống Martin Van Buren) và được con gái của bà, Jeanne Phillips, tiếp tục.

Đăng số 1317 (số 45/2024) KH&PT