Gần 150 công trình nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ và sinh viên của các trường đại học trên toàn quốc đã nhận được giải thưởng KHCN năm 2024.

Ngày 9/11, tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ KH&CN, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC đã phối hợp tổ chức lễ tổng kết và trao Giải thưởng Khoa học Công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học năm 2024.

Giải thưởng do Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi xướng và tổ chức lần đầu vào năm 2018, nhằm biểu dương thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng tài năng khoa học trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học.

tr
Các tác giả có công trình khoa học xuất sắc nhận giải thưởng. Ảnh: BT

Các đề tài tham dự giải thưởng chia theo sáu lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y dược, khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội, và khoa học nhân văn.

Trong số gần 150 công trình khoa học của các giảng viên trẻ đến từ 29 trường đại học tham gia Giải thưởng, Ban tổ chức đã chọn trao 7 giải Nhất, 10 giải Nhì, 10 giải Ba, 18 giải Khuyến khích.

Một số đề tài đoạt giải Nhất của giảng viên có thể kể đến như: Tác động của đặc điểm, tính cách lên sự tích cực trong công việc của kỹ sư xây dựng Việt Nam (TS Võ Đăng Khoa, Trường Đại học Mở TPHCM); Mô hình dự báo tiềm năng nước ngầm sử dụng số liệu thống kê và phương pháp học máy lai (TS Nguyễn Ngọc Thanh, Trường Đại học Nông Lâm, ĐH Huế);…

Trong số 15.000 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên từ 96 cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc, Hội đồng xét Giải thường chọn được 106 đề tài vào vòng chung khảo và trao 18 giải Nhất, 85 giải Nhì.
Một số đề tài đoạt giải Nhất của sinh viên có thể kể đến như: Tổng hợp và đánh giá khả năng xử lý ion Pb2 độc hại trong môi trường nước của vật liệu Zr-MOFs (Trường đại học Sư phạm TPHCM); Sử dụng sinh khối Artemia (Artemia franciscana) trong chế biến sản phẩm bột canh (Trường Đại học Cần Thơ); Cải tạo đất bề mặt không thích hợp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng chất kết dính vô cơ kết hợp xỉ lò cao nghiền mịn và phụ gia S1 (Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM); Tự điều chỉnh cảm xúc ở học sinh có biểu hiện trầm cảm Trường ĐH Sư phạm TPHCM);…