Theo Quyết định 1352/QĐ-TTg, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ tập trung vào mở rộng, nâng cấp và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc khoảng 6,6 triệu ha.
Đồng thời, Quy hoạch yêu cầu phải củng cố phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, hành lang đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng; hình thành hệ thống khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, trong đó có 22 khu vực đa dạng sinh học cao với tổng diện tích khoảng 2 triệu ha.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng các chương trình nghiên cứu; dự án ưu tiên theo phân công để thực hiện các nhiệm vụ của Quy hoạch.
Quy hoạch cũng nêu các giải pháp về KH&CN cần áp dụng là đẩy nhanh chuyển đổi số, hoàn thiện kết nối liên thông hệ thống thông tin, trong đó có cơ sở dữ liệu về quy hoạch, quản lý, cập nhật biến động các đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường áp dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, giám sát các đối tượng của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa sinh học; bảo tồn các loài đặc hữu, nguy cấp, ngăn chặn sự suy thoái của các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Tin đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)
T. Nhàn