Trong lịch sử, tên những cơn bão từng được đặt theo tên chính trị gia vì thuộc tính "không biết tiếp theo sẽ như thế nào", "gào thét" và "gây phiền toái" hoặc tên phụ nữ vì dễ thay đổi, ương ngạnh và khó đoán.

Đường đi của bão Trà-Mi và bão Kong Rey.
Đường đi của bão Trà-Mi và bão Kong Rey (ảnh do TS. Nguyễn Đăng Quang cung cấp từ nguồn https://zoom.earth/)

Mỗi khi bão xuất hiện, trên các phương tiện truyền thông chúng ta sẽ được nghe thấy các tên riêng được đặt cho từng cơn bão. Rõ ràng là việc đặt tên cho bão sẽ giúp chúng ta dễ dàng phân biệt, nhận diện, đặc biệt trong tình huống cùng một thời điểm hoặc cùng một khu vực có nhiều hơn một cơn bão hoạt động.

Ngày 27/10/2024, cơn bão số 6 trong năm 2024, bão có tên quốc tế là Trà-Mi đã trực tiếp ảnh hưởng và gây mưa lớn diện rộng cho các tỉnh Trung Trung Bộ, từ Quảng Trị tới Quảng Nam. Câu hỏi đặt ra là cơn bão Trà-Mi này được đặt tên như thế nào, và ai sẽ là người chịu trách nhiệm đặt tên cho các cơn bão?

Một lịch sử lâu đời

Trước thế kỷ 20, các cơn bão thường được đặt tên theo thời gian hoặc địa điểm chúng đổ bộ. Ví dụ như cơn bão đầu tiên được nhắc tên trong lịch sử cận đại là cơn bão San Mateo năm 1565. “San Mateo” nguyên gốc tiếng Tây-Ban-Nha, tiếng Anh là “St. Matthew” hay dịch ra tiếng Việt là “Thánh Mátthêo”.

Ngày nay, cơn bão này gợi nhớ tới một câu chuyện trong lịch sử nước Mỹ. Tháng 9/1565, Pháp và Tây-Ban-Nha đang tranh giành quyền chiếm đóng Florida. Thành phố lâu đời nhất nước Mỹ, St.Augustine, thuộc bang Florida lúc đó đang chịu sự cai quản của người Tây Ban Nha. Cách St. Augustine khoảng 65km về phía Bắc, từ nơi đóng quân, một toán quân tinh nhuệ Pháp đã lựa chọn đường thủy để di chuyển và tấn công St. Augustine.

Tuy nhiên, cùng thời điểm toán lính Pháp giong buồm ra khơi thì bão lớn xuất hiện. Ngày 22/9/1565, một ngày sau Lễ Thánh Mátthêo, bão đổ bộ đất liền và đẩy toàn bộ nhóm tàu Pháp xuống phía Nam vị trí cần tấn công đâu đó cỡ 200km. Trên bờ, toán lính Tây-Ban-Nha thong dong đường bộ, đánh ngược lên trại lính Pháp. Lúc này trại lính Pháp chỉ còn dăm ba tên lính gác, trại lính Pháp bị tiêu diệt. Toán lính Pháp sống sót sau trận bão gom tàn quân, cố chiến đấu với quân Tây-Ban-Nha, nhưng cái kết của trận chiến đã được an bài. Cơn bão San Mateo đã đánh dấu chấm hết cho sự chiếm đóng của người Pháp ở Florida.

Theo quy tắc thời gian - địa điểm nói trên, chúng ta bắt gặp được những cái tên như bão Galveston năm 1900 hoặc bão Galveston năm 1915, hoặc như “San Felipe” (thứ nhất) và “San Felipe” (thứ hai) đã đổ bộ Puerto Rico lần lượt vào ngày 13/9/1876 và 13/9/1928.

Quy tắc đặt tên này kéo dài cỡ hơn 300 năm, cho đến khoảng nửa cuối thế kỷ 19, các nhà khí tượng học đã dần định hình các quy tắc đặt tên cho bão. Nhà khí tượng học người Úc Clement Wragge (1852-1922) được coi là người tiên phong hệ thống hóa việc đặt tên cho các cơn bão.

Sinh ra và lớn lên tại Anh quốc, học luật và y khoa chính quy, nhưng có kiến thức về vũ trụ và khí tượng nhờ bà ngoại, Wragge có sở thích du lịch, tìm hiểu các di chỉ khảo cổ, có giọng hát hay, quan tâm tới việc thử nghiệm mưa nhân tạo, và cuối đời ông dành thời gian nghiên cứu thần học và tôn giáo.

Năm 27 tuổi ông tự thiết lập và vận hành hai trạm quan trắc thời tiết, 30 tuổi nhận Huy chương vàng của Hiệp hội khí tượng Scotland ghi nhận sự cố gắng không mệt mỏi của việc quan trắc hàng ngày trong nhiều tháng liên tục tại đỉnh núi cao nhất nước Anh – Ben Nevis, 31 tuổi rời Anh quốc đến châu Úc, thiết lập một loạt các trạm khí tượng tư nhân; 34 tuổi khởi xướng thành lập Hiệp hội khí tượng hoàng gia Úc.

Một năm sau, năm 1887, khi vừa tròn 35 tuổi ông được bổ nhiệm là nhà khí tượng học của Chính phủ Queensland. Dựa vào số liệu từ các trạm khí tượng, ông lập biểu đồ và dự báo thời tiết không chỉ cho Queensland mà còn cho các khu vực khác của lục địa; đặt tên cho các báo cáo của mình là Meteorology of Australasia, Chief Weather Bureau, Brisbane.

Trong suốt 20 năm (1887 - 1907) Wragge chính là người đặt tên cho các cơn bão cho khu vực châu Úc - Nam Thái Bình Dương. Ban đầu ông sử dụng các chữ cái của bảng chữ cái Hy Lạp, nhưng sau đó ông đã sử dụng tên của các nhân vật trong thần thoại Hy Lạp và La Mã, tên phụ nữ và cuối cùng tên của các chính trị gia. Lý do của Wragge đặt tên bão theo tên của chính trị gia bởi ông cho rằng họ có thuộc tính của bão “không biết tiếp theo sẽ như thế nào”, “gào thét” và “gây phiền toái”. Sau khi Wragge nghỉ hưu, việc đặt tên cho các bão cơ bản dừng lại cho đến những năm cuối Thế chiến Thứ hai.

Thời điểm cuối Thế chiến Thứ 2 (1944-1945) là thời khắc quan trọng giữa các nước thuộc phe đồng minh (Anh, Pháp, Ba Lan, Úc, New Zealand,…). Có thể các yêu cầu về hợp đồng tác chiến đã thúc đẩy cơ chế đặt tên cho bão, giúp họ phối hợp chính xác và nhịp nhàng.

Cũng thời điểm này, bên kia bờ Đại Tây Dương, các nhà khí tượng học của không quân và hải quân Mỹ đã thống nhất cách đặt tên cho các cơn bão không chỉ trong phạm vi nước Mỹ mà trên khắp Thái Bình Dương. Họ thường lấy tên của vợ hoặc bạn gái, thay vì các tên gọi rườm rà dựa theo kinh vĩ độ, để đặt tên cho bão. Tới phiên trực bão của người nào, người đó có quyền đặt tên cho các cơn bão mà họ đã phát hiện, theo dõi được trong phiên trực.

Các tên này thường ngắn, dễ hiểu và khi đọc trên hệ thống phát thanh radio thì các tên này sẽ giúp người nghe dễ mường tượng, hình dung hơn khi có nhiều hơn một cơn bão trong cùng một khu vực.

Cho đến nay về cơ bản quy tắc đặt tên cho bão không thay đổi và quy tắc này như sau: 1) Tên không được dài quá chín chữ cái; 2) Dễ phát âm trên đài phát thanh và truyền hình; 3) Không mang hàm ý tiêu cực trong ngôn ngữ của thành viên đề xuất; 4) Không gây khó khăn cho thành viên khác; 5) Không đặt tên trùng với tên thương hiệu, nhãn hiệu và mang ý nghĩa thương mại.

Cho đến nay, chúng tôi, những người sưu tầm, tập hợp thông tin cho bài viết này chưa tìm được tài liệu có tính pháp lý, ví dụ như quy định về cách đặt tên cho bão nhưng kể từ thời điểm đầu những năm 1950, trên hệ thống lưu trữ cũng như sách báo tại Mỹ, tên các cơn bão chỉ được đặt theo các tên của phái nữ (Anne, Betty, Helene, …). Chúng tôi dù đã cố gắng nhưng chưa tìm được lý do cụ thể hơn cho việc mấy ông “tây” chỉ lấy tên của phái đẹp đặt tên cho các cơn bão. Có lẽ, đáp án khả dĩ nhất là bởi vì mấy đồng nghiệp đó đã thống kê và kết quả thống kê cho thấy giữa bão và phụ nữ giống nhau ở điểm dễ thay đổi, ương ngạnh và khó đoán.

Sóng gió bắt đầu nổi lên! 1975. Năm Quốc tế phụ nữ (International Women’s Year) là năm cuối cùng chứng kiến tên các cơn bão chỉ được dành riêng cho phái nữ. Tháng 4/1975, Bộ trưởng Bộ khoa học Úc Châu, một quốc gia đồng minh trong Thế chiến Thứ hai, yêu cầu tên bão cần được bao gồm cả tên đàn ông và đàn bà. Lý do của ông rất đơn giản: đàn ông hay đàn bà, phái nào cũng gây hiểm họa như nhau cho Trái đất. Đồng thuận cao! Công lý được thực thi ở xứ sở Kangaroo.

Bốn năm sau, 1979, xa bên bờ Đại Tây Dương, một người phụ nữ Florida có tên Rocxy Bolton cũng đã vô cùng phẫn nộ khi bị liên tưởng tên một phụ nữ một cách tùy tiện với thảm họa. Phụ nữ Mỹ vùng lên. Và kể từ đó tên bão ở Mỹ bao gồm cả tên nam và nữ. Tuy nhiên, một khảo sát được thực hiện ở Mỹ vào năm 2016 cho thấy đúng là các cơn bão có tên phụ nữ thường tàn phá mạnh hơn các cơn bão mang tên đàn ông.

Cơn bão có tên Việt Nam tiếp theo?

Tổ chức Khí tượng thế giới (World Meteorological Organisation - WMO) ra đời ngày 23/3/1950. Đây cũng là tổ chức nghề nghiệp đưa ra các quy định thống nhất đối với một loạt các vấn đề, trong đó có việc đặt tên các cơn bão. Theo quy định, mỗi quốc gia thành viên sẽ đề xuất một danh sách tên các cơn bão, và danh sách tên này sau đó sẽ được Ủy ban bão quốc tế (WMO/Typhoon Committee) đánh giá và lựa chọn.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam là cơ quan đề xuất và trình danh sách tên bão Việt Nam tới Ủy ban bão khu vực Tây Thái Bình Dương; sau khi Ủy ban bão họp và lựa chọn, danh sách được lựa chọn này tiếp tục sẽ được gửi tới Trung tâm bão Nhật Bản - một trong sáu trung tâm bão do WMO chỉ định, chịu trách nhiệm đối với việc phân tích, giám sát, dự báo, cảnh báo và công bố tên bão trên phạm vi toàn cầu.

Hiện nay, Ủy ban bão quốc tế đã lựa chọn được danh sách mười cơn bão sau đây: Sơn-Tinh, Trà-Mi, Cỏ-May, Hạ-Long, Ba-Vì, Bằng-Lăng, Lục-Bình, Sông-Đà, Sơn-Ca và Sao-La.

Như vậy, sau cơn bão Trà-Mi (cơn bão số 6 năm 2024), cơn bão có tên Việt Nam tiếp theo sẽ là Cỏ-May (Co-May), tiếp đến là Hạ Long (Ha-Long).

Việt Nam thuộc khu vực gồm 14 quốc gia và vùng lãnh thổ; thứ tự các quốc gia được xếp theo thứ tự bảng chữ cái Latin. Đứng đầu danh sách các quốc gia thành viên trong khu vực này là Cam-pu-chia, Việt Nam đứng vị trí cuối cùng. Tên bão trong khu vực sẽ được sử dụng lần lượt theo tên bão đã đề xuất từ các thành viên và được chấp thuận bởi Ủy ban bão. Như vậy, phải đến khoảng giữa năm 2025, chúng ta mới lại được nghe thông tin dự báo của cơn bão Cỏ-May, rồi tiếp đó là Hạ-Long.

Khi cơn bão nào đó gây thiệt hai lớn đến tài sản và cướp nhiều mạng sống, quốc gia thành viên có thể đề xuất không sử dụng tên cơn bão đó – tránh đem lại những ký ức đau buồn. Một số tên cơn bão đã không được sử dụng đó là: Haiyan (2013), Lê-Ki-Ma (Lekima, 2019), Côn-Sơn (Conson, 2021)… Các quốc gia thành viên có trách nhiệm bổ sung các tên bão nhằm thay thế những tên không được sử dụng.

Quy định và quy trình đặt tên các cơn bão trên khu vực Tây Thái Bình Dương đã được Ủy ban bão thực hiện đầy đủ và liên tục từ năm 1998 đến nay.

Bên cạnh quy tắc đặt tên bão quốc tế đã nêu, một số thành viên cũng duy trì hệ thống đặt tên bão riêng biệt như Philippines, Indonesia, Việt Nam… Tại Philippines các cơn bão sẽ được đặt tên riêng khi cơn bão xuất hiện tại khu vực theo dõi của họ; còn ở Việt Nam, các cơn bão xuất hiện trên Biển Đông sẽ được đặt tên theo số thứ tự trong dãy số tự nhiên.

Cơn bão số 8 năm 2024 - tên quốc tế Toraji, hiện đang đạt cường độ cấp 9-10 tại thời điểm 22h đêm ngày 12/11/2024, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực phía Bắc biển Đông nước ta trong 24-48h tiếp theo.


TS.Nguyễn Đăng Quang.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường

_______________________

Tài liệu tham khảo:

https://www.hurricanescience.org/history/storms/pre1900s/1565/index.html
https://edition.cnn.com/2016/09/01/health/female-hurricanes-deadlier-than-male-hurricanes-trnd/index.html
https://www.jma.go.jp/jma/jma-eng/jma-center/rsmc-hp-pub-eg/tyname.html
https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_retired_Pacific_typhoon_names
https://www.thoitietvietnam.gov.vn/kttv/

_______________________

Bài đăng KH&PT số 1318 (số 46/2024)