Hàm lượng đường cao có thể là mối đe dọa cho răng và ảnh hưởng đến sở thích thực phẩm ở tuổi trưởng thành.

Phân tích của WHO Châu Âu cho thấy nhiều loại thực phẩm dành cho trẻ em bán trên thị trường có quá nhiều đường - với các loại trái cây xay nhuyễn được thêm vào cả các món ăn mặn.

Thức ăn cho trẻ em bán trên thị trường chứa quá nhiều đường, kể cả khi chúng được dán nhãn là đồ ăn mặn, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Cơ quan này đang tìm cách cấm bổ sung đường trong thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi.

WHO Châu Âu đang kêu gọi hạn chế lượng đường trong chế độ ăn của trẻ và thức ăn trẻ em bán trên thị trường, cảnh báo rằng đường có thể bị ảnh hưởng đến răng và làm phát triển sở thích đối với thực phẩm ngọt, kéo theo đó là thừa cân và bệnh liên quan đến béo phì ở tuổi trưởng thành.

WHO cũng cho biết, các loại thực phẩm nhiều đường dành cho trẻ em đang được tiếp thị một cách không phù hợp cho trẻ dưới sáu tháng tuổi, mặc dù WHO khuyến nghị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ cho đến tuổi đó.

Một phân tích từ WHO Châu Âu về thực phẩm trẻ em đang được bán ở Anh, Đan Mạch và Tây Ban Nha trong năm 2016-17 cho thấy thực phẩm trẻ em bán trên thị trường thường tuân thủ hướng dẫn về muối, protein, chất béo và carbohydrate, nhưng nhiều sản phẩm có quá nhiều đường.

Đường chiếm 70% lượng calo thực phẩm trong các loại trái cây xay nhuyễn, nhưng các loại trái cây xay cũng được thêm vào các bữa ăn mặn. "Nhiều loại thức ăn mặn được bán ở Anh và Đan Mạch có hơn 15% năng lượng của chúng từ tổng lượng đường, trái cây xay cung cấp phần lớn hàm lượng đường ngay cả trong các sản phẩm mặn", báo cáo của WHO cho biết.

Đây có thể được coi là các loại đường đơn, giống như có trong nước ép trái cây và nếu ăn thường xuyên "có thể gây ra mối đe dọa cho trẻ nhỏ khi mọc những chiếc răng đầu tiên". Độ ngọt cũng có thể ảnh hưởng đến sở thích ăn uống của trẻ con khi chúng lớn lên, báo cáo cho biết.

Báo cáo đưa ra các khuyến nghị của WHO Châu Âu về mô hình hồ sơ dinh dưỡng cho các loại thực phẩm trẻ em.

WHO cho biết tất cả các loại đường bổ sung, bao gồm cả nước trái cây cô đặc, nên bị cấm đối với tất cả các loại thực phẩm thương mại dành cho trẻ em. Không có thực phẩm nào nên chứa hơn 5% trái cây xay nhuyễn theo tổng trọng lượng, đặc biệt là trong thực phẩm mặn. Thực phẩm ăn nhẹ khô, chẳng hạn như bánh quy, không nên có hơn 15% lượng calo từ đường.

Đồ uống trái cây và nước trái cây, sữa có đường và các sản phẩm thay thế sữa, bánh kẹo và đồ ăn nhẹ ngọt không nên được quảng cáo là phù hợp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đến 36 tháng.

WHO cũng cho biết việc dán nhãn đường trong thực phẩm trẻ em cần cải thiện: nhiều loại thực phẩm trẻ em ở Anh có nhãn dễ gây hiểu lầm. Ví dụ như sản phẩm dâu tây, mâm xôi và chuối nghiền nhuyễn Heinz được bán cho trẻ sơ sinh từ bốn tháng tuổi không có thành phần chính (táo) trong tên. Sản phẩm này nên được gọi là táo xay nhuyễn (79%) với chuối (8%) và mâm xôi (5%), WHO gợi ý.

Tác giả chính, Tiến sĩ João Breda, người đứng đầu văn phòng Châu Âu của WHO về phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không truyền nhiễm, cho biết, họ rất quan tâm đến lượng đường cao trong thực phẩm trẻ em và việc dán nhãn sản phẩm.

"Trong những sản phẩm thương mại này, chúng tôi đã tìm thấy một lượng đường rất đáng kể được thêm vào. Có quá nhiều đường", ông nói. "Tổng lượng đường quá cao trong nhiều sản phẩm. Và chúng tôi thấy rằng có vấn đề với cách các sản phẩm này được tiếp thị. Rất nhiều sản phẩm được bán trên thị trường được quảng cáo là phù hợp với trẻ bốn tháng và dưới sáu tháng, hoàn toàn trái với hướng dẫn của WHO".

Mặc dù trẻ sơ sinh thích vị ngọt của sữa mẹ, nhưng điều quan trọng là để chúng khám phá những khẩu vị khác nhau sau sáu tháng, ông nói. "Điều quan trọng là bạn có những sản phẩm không chỉ là sản phẩm ngọt và trẻ sơ sinh nên tiếp xúc với những vị khác nhau ngay từ đầu".

Ông nói rằng đã có một động thái để cải tổ các sản phẩm này trong ngành công nghiệp thực phẩm, và hy vọng các chính phủ sẽ khuyến khích.

Một báo cáo khác cho thấy việc quảng bá thực phẩm thương mại cho trẻ em không phù hợp ở bốn quốc gia: Áo, Bulgaria, Hungary và Israel, dù WHO đã đưa ra hướng dẫn về các tuyên bố mà thực phẩm trẻ em có thể sử dụng vào năm 2016.

Trên khắp bốn quốc gia, 28% đến 60% thực phẩm trẻ em được bán trên thị trường được quảng cáo là phù hợp với trẻ em dưới sáu tháng, vi phạm quy tắc WHO (khuyến nghị nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đến sáu tháng). Khoảng một phần ba đến ba phần tư các sản phẩm đã đưa ra tuyên bố về sức khỏe để quảng cáo, điều này cũng không được phép theo hướng dẫn của WHO. Và 16% đến 53% có các nhân vật hoạt hình trên nhãn, điều này cũng không được khuyến khích vì nó khuyến khích tính nghịch ngợm ở trẻ em. Hương vị ngọt là chủ đạo trong các sản phẩm này.

Nguồn: