Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 4 triệu trẻ em trên toàn cầu bị mắc hen suyễn hàng năm do ô nhiễm khí thải liên quan đến các phương tiện giao thông.
Điều đáng nói là tình trạng trên xảy ra ở cả các khu vực đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo hướng dẫn của WHO về chỉ số nitơ dioxit (NO2) trong không khí, tương đương chiếm 21 phần tỷ hoặc ít hơn.
Theo Quartz, nghiên cứu tiến hành đo NO2 vì đây là một chất nguy hiểm khi tiếp xúc. NO2 chiếm một phần đáng kể trong hỗn hợp thí thải thoát ra từ ống xả của các phương tiện xe hơi và nó chắc chắn cũng ảnh hưởng đến cơ thể người.
Nhưng không chỉ có NO2, đi theo dòng không khí ô nhiễm thải ra từ các phương tiện còn có hạt bụi mịn PM2.5. Kích thước siêu nhỏ của hạt bụi giúp chúng dễ dàng lọt qua hệ thống lọc bụi của mũi và đi vào trong phổi. Nguy hiểm hơn khi những hạt bụi này thâm nhập sâu hơn vào đường hô hấp và đi vào máu, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm liên quan đến não bộ hoặc tim mạch.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra, trẻ em sống ở nơi ô nhiễm không khí do giao thông khó đạt được điểm cao trong các bài kiểm tra nhận thức. Một nghiên cứu gần đây trên 783 trẻ em trong độ tuổi từ 6-10 tuổi tại Hà Lan phát hiện thấy, việc tiếp xúc với nồng độ hạt bụi PM2.5 cao trực tiếp gây hại và làm thay đổi cấu trúc vỏ não của trẻ ngay từ trong bụng mẹ.
Mới đây, Đại học George Washington đã sử dụng dữ liệu quốc gia từ năm 2015 về tỷ lệ trẻ mắc hen suyễn ở 194 quốc gia và dữ liệu từ 125 thành phố ở Mỹ do Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe thu thập chỉ ra. Sau đó họ phủ toàn bộ dữ liệu trên lên bản đồ toàn cầu về nồng độ NO2 do một số nhà nghiên cứu công bố vào năm 2017.
Kết quả, Susan Anenberg, một tác giả của nghiên cứu và là phó giáo sư tại George Washington phát hiện thấy có hàng triệu ca hen suyễn tại các khu vực có nồng độ NO2 cao trong không khí.
Trong năm 2015, tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn do ô nhiễm khí thải từ giao thông không ngừng gia tăng tại Trung Quốc, đặc biệt tại các thành phố như Thượng Hải, nơi có 48% ca hen suyễn mới được phát hiện do hít phải khí thải giao thông. Đây cũng là thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí do giao thông tồi tệ nhất thế giới.
Tiếp đó là Bogota, Columbia và Lima, Peru, hai thành phố đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba về số ca hen suyễn do hít phải khí thải giao thông. Tất nhiên khi đã biết được nguyên nhân, chính phủ các nước cần sớm có giải pháp "xanh hóa" ngành giao thông vận tải. Không chỉ vì mục tiêu bảo vệ môi trường mà còn là cách để giữ sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Nghiên cứu đã được công bố trên tập san y khoa The Lancet mới đây.
Theo Vnreview