Gần đây, giới nghiên cứu khoa học trong nước bàn tán sôi nổi khi Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) công bố chính sách thưởng lớn cho các bài báo được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus.

Cụ thể, những bài báo đăng trên tạp chí có chỉ số ảnh hưởng IF>2 được thưởng 200 triệu đồng, IF>1 thưởng 150 triệu đồng và IF< 1 thưởng 100 triệu đồng.

Như vậy, chính sách này của UEH đã nâng vọt mức thưởng cho một nghiên cứu lên khoảng 7 lần so với mức quy định chung trong Nghị định 99/2014/NĐ-CP ban hành ngày 25/10/2014 về đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Nghiên cứu viên quan sát các kim loại qua kính hiển vi tại phòng sạch của Trung tâm Nano và Nănglượng - Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Loan Lê
Nghiên cứu viên quan sát các kim loại qua kính hiển vi tại phòng sạch của Trung tâm Nano và Nănglượng - Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Loan Lê

Bình luận về sự kiện này, GS.TS Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nói: “Trong sự phát triển đa dạng của giáo dục đại học như hiện nay, những chính sách như của UEH cần được lắng nghe và ủng hộ để họ thử nghiệm thực hiện”.

Cũng ủng hộ chính sách thưởng lớn của UEH, song nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Hiệp - nghiên cứu sinh tại Đại học Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan), không tỏ ra quá ấn tượng với con số như phần đông dư luận.

Có được bài báo công bố quốc tế trong ngành kinh tế, quản trị có chỉ số IF>2 không phải chuyện dễ dàng. Để có một bài báo có chỉ số IF>1 công bố vào năm ngoái, tôi và giáo sư của mình đã phải làm việc trong gần ba năm. Nếu chia trung bình, với mức thưởng như của UEH, mỗi tháng tôi cũng chỉ tăng thu nhập được thêm khoảng 2 triệu đồng” – anh Hiệp nói.

Anh tỏ ra quan tâm hơn đến một nội dung khác trong chính sách của UEH, đó là những nhóm nghiên cứu làm hồ sơ đăng ký đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước sẽ được nhà trường hỗ trợ 10 triệu đồng; còn nếu trượt, nhóm nghiên cứu sẽ nhận được thêm 35 triệu đồng để tiếp tục thực hiện đề tài đó.


Tôi chưa thấy trường đại học nào làm được điều này. Đề tài bị trượt mà nhóm nghiên cứu vẫn được nhận hỗ trợ để thực hiện ý tưởng của mình. Điều đó khiến các giảng viên cảm thấy họ được tin tưởng và sẽ có thêm niềm tin vào nghiên cứu mà họ muốn thực hiện. Để kiếm tiền, các giảng viên có bằng tiến sỹ đi dạy sẽ có thu nhập tốt hơn so với làm nghiên cứu. Nhưng chính sách này của UEH cho thấy nhà trường đặt niềm tin và thể hiện thái độ trân trọng công việc của các giảng viên” - anh Hiệp nêu quan điểm.

Ngày nay, khi tiêu chí nghiên cứu khoa học (gắn bó mật thiết với số liệu các công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, Scopus…), được tính trọng số cao trên hầu hết các bảng xếp hạng đại học uy tín thì ngay cả những trường tự định hướng mình như đại học giảng dạy cũng muốn có con số đẹp ở tiêu chí này, bởi xếp hạng tốt đồng nghĩa với việc tuyển sinh thêm thuận lợi. Do đó, làm sao để tăng số công bố khoa học, thưởng tiền có phải là cách làm hiệu quả không và nếu vậy thì thưởng bao nhiêu là đủ… trở thành những câu hỏi mà các trường đại học đều muốn tìm ra câu trả lời.