Y học hưởng lợi đầu tiên
Tại bệnh viện Mắt Moorfields ở London, các thầy thuốc đang đối mặt với một vấn đề quen thuộc - số bệnh nhân tăng nhanh, trong khi quá trình nhận diện dấu hiệu của các bệnh về mắt và ra quyết định điều trị cần bác sỹ giàu kinh nghiệm cũng như cần thời gian. Nhưng AI đang làm thay đổi thực tế này. Làm việc với DeepMind, nhóm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Google, các bác sỹ bệnh viện Moorfields đã huấn luyện cho một thuật toán AI về việc quét một triệu cặp mắt ẩn danh của bệnh nhân tại nhiều giai đoạn khác nhau của bệnh thoái hóa điểm vàng mắt. Họ hy vọng là AI sẽ học được cách chỉ ra những dấu hiệu sớm của bệnh này và đưa ra chẩn đoán chính xác như bác sỹ.
Y học là một trong những lĩnh vực đầu tiên được hưởng lợi từ AI. AI có thể chẩn đoán bệnh từ các nhóm hiển thị của các triệu chứng, các mẫu lạ trong những kết quả xét nghiệm máu, và những bất thường khó nhận biết ở cấp độ tế bào. Thi thoảng, các hệ thống AI cũng có thể tìm và chỉ ra những dấu hiệu của bệnh tật mà các bác sỹ còn chưa nhận biết được.
Ngay đầu năm nay, các nhà nghiên cứu ở Đại học Nottingham đã “huấn luyện” cho nhiều loại AI để chúng có khả năng “điểm mặt” những người có nguy cơ rủi ro về bệnh tim và nhiều khả năng chúng còn “lành nghề” hơn cả bác sỹ.
Một loại AI của Đại học Stanford ở California đã được tập luyện để phát hiện bệnh ung thư vú trong các mô sinh thiết. Thông thường, các nhà nghiên cứu bệnh học đưa ra chẩn đoán sau khi kiểm tra một số đặc tính của mô nhưng AI đã vượt qua các chuyên gia ung thư bằng việc xem xét tới hơn 6.000 yếu tố.
Các nhà nghiên cứu cũng bắt đầu dùng AI trong chuyên ngành sức khỏe tâm thần. Cogito, một công ty có trụ sở ở Boston, đang thử nghiệm một ứng dụng trên điện thoại di động cho phép giám sát độ cao thấp của giọng nói để dò ra những thay đổi về tâm trạng có thể cho thấy biểu hiện của bệnh trầm cảm. Ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu mong muốn nhận biết khả năng tự tử của con người từ những gì họ viết trên Weibo, một mạng xã hội kiểu Twitter của Trung Quốc.
Cuộc cách mạng trong điều trị cũng đang trở nên chín muồi khi được tiếp lửa bởi AI. Các thuật toán được huấn luyện trên các chồng hồ sơ bệnh án có thể đưa ra lời khuyên cho các bác sỹ về những loại thuốc hiệu quả nhất đã được điều trị cho các bệnh nhân trước đó, trên cơ sở tính đến yếu tố di truyền và những điều kiện khác. Thành công này hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào việc tìm ra các cách hiệu quả để khuyến khích bệnh nhân chia sẻ dữ liệu y tế nhưng không được làm ảnh hưởng đến bí mật cá nhân.
Cảnh sát không "tinh" bằng AI
Một bản đánh giá của chính phủ Anh về AI vào tháng Mười vừa qua đã đề xuất cho phép Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (National Health Service - NHS) được quyền chia sẻ những thông tin nhạy cảm một cách thận trọng. Nếu làm tốt điều này, có thể ngăn cản việc sử dụng các dữ liệu trái quy định của pháp luật, như những gì đã xảy ra khi Bệnh viện Royal Free Hospital ở London, nơi chia sẻ hồ sơ sức khỏe của 1,6 triệu người nhưng lại dễ bị nhận biết thông tin cá nhân bằng chính công cụ của DeepMind.
GS Toby Walsh, một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tại Đại học New South Wales, tác giả một cuốn sách gần đây về AI “Giấc mơ Android” (Android Dreams), e ngại rằng một vài đại gia công nghệ có thể nhảy vào lĩnh vực dữ liệu sức khỏe và qua đó có được quyền lực thao túng khổng lồ.
Sự bùng nổ của những ứng dụng AI sẽ còn vươn xa hơn lĩnh vực y tế. Những người bán lẻ online phải tăng cường sử dụng AI để nâng cao doanh số bán hàng; một vài công ty dịch vụ hẹn hò sử dụng công nghệ này để ghép cặp; các thành phố như Manchester đang quan tâm đến việc kiểm soát giao thông bằng AI để góp phần giải quyết nạn ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường.
Người ta cũng dùng AI để bảo vệ không gian mạng. Darktrace, công ty đặt trụ sở tại Anh, đã dùng AI để tìm ra các hành động đáng ngờ nhằm vào mạng lưới máy tính của các công ty.
Ví dụ, một trường hợp kỳ lạ đã được phát hiện bởi AI: một sòng bài Bắc Mỹ bị các hacker từ Phần Lan đánh cắp dữ liệu của casino thông qua bể cá được nối với máy tính bằng wifi. Darktrace còn dò ra một hình thức tấn công mới đáng lo ngại: trong khi giám sát hoạt động của một công ty Ấn Độ, công ty công nghệ này đã phát hiện ra một loại virus AI học cách trà trộn vào trong mạng lưới mục tiêu và ẩn nấp ở đó mà không bị phát hiện. Ấn Độ là một trong những điểm thử nghiệm các kiểu tấn công không gian mạng mới, nhiều loại phần mềm độc hại được gia tăng thêm sức mạnh của AI có thể sẽ sớm nhắm đến những công ty trên toàn thế giới.
AI hiện cũng đang hỗ trợ cảnh sát trong việc kiểm soát tội phạm. Cảnh sát Kent, vùng đông nam nước Anh, đi tiên phong trong việc ứng dụng PredPol, một sản phẩm AI được phát triển tại Mỹ. Sau khi nhận thấy PredPol phát hiện ra nơi tội ác có nhiều cơ hội xảy ra với độ chính xác cao hơn các nhà phân tích của lực lượng cảnh sát tới 60%, họ quyết định dùng PredPol như một công cụ hữu hiệu hỗ trợ công việc. Jon Sutton, người phụ trách bộ phận phân tích của cảnh sát Kent, thừa nhận: “Chúng tôi cũng không thể làm được điều đó chính xác hơn AI”.
PredPol đã dùng AI để học hỏi các mẫu tội phạm từ hồ sơ lưu trữ và sau khi “nghiền ngẫm” đống dữ liệu này, hằng ngày PredPol cập nhật 180 điểm nóng, nơi được dự đoán có nguy cơ xảy ra tội ác cao hơn chỗ khác.