Nhờ nhiều chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, trong đó có chính sách thưởng tiền “mạnh tay”, từ ba năm trở lại đây, số công bố quốc tế của Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) có mức tăng trưởng đáng kinh ngạc.

Bí quyết "chim đầu đàn"

Theo website của Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), trường có hơn 700 giảng viên cơ hữu, trong đó 16,5% có trình độ tiến sỹ, thấp hơn mức trung bình của các trường đại học hiện nay là gần 23%. Thế nhưng, trên bảng xếp hạng do Nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam công bố tháng 9 mới đây, Đại học Duy Tân đứng thứ ba về nghiên cứu khoa học và chính thành tích này đã đưa trường lên vị trí thứ 9 trong xếp hạng tổng thể, vượt lên nhiều ngôi trường lớn hơn và có truyền thống lâu đời hơn.

TS Nguyễn Đức Hiền, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Chuyển giao công nghệ, Đại học Duy Tân, cung cấp vài con số: Nếu năm 2011, trường mới có duy nhất một công bố ISI thì đến các năm 2015, 2016, 2017, con số này tăng lên lần lượt là 101, 209, 322.

Đằng sau thành tích “tăng trưởng nóng” này là chiến lược nào của nhà trường? Liên lạc qua điện thoại với TS Lê Nguyên Bảo, Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, Khoa học và Phát triển được cho biết, giai đoạn 2011-2014, trường “nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu dữ lắm và chính sách cũng nhiều” nhưng mức tăng trưởng về số công bố quốc tế “chỉ mang tính chất tịnh tiến”.

Bước tăng trưởng nhảy vọt chỉ thật sự bắt đầu kể từ khi trường có ý thức tìm “chim đầu đàn” cho các nhóm nghiên cứu của mình. Sau khi lôi kéo một số bạn trẻ học ở nước ngoài về để “khuấy động” không khí nghiên cứu và lập các nhóm nghiên cứu, trường nhận thấy, một số nhóm nghiên cứu không có thủ lĩnh hoạt động không hiệu quả. Do nhân lực của trường còn mỏng, trường định hướng mở rộng việc tìm kiếm “chim đầu đàn” ra bên ngoài, TS Bảo nhớ lại.

Các sinh viên của trường Đại học Duy Tân thực hành tại Phòng thí nghiệm Hóa học. Ảnh: Lê Phượng
Các sinh viên của trường Đại học Duy Tân thực hành tại Phòng thí nghiệm Hóa học. Ảnh: Lê Phượng

“Đó có thể là một bạn thường xuyên hợp tác làm các chương trình nghiên cứu với trường, hoặc một người có uy tín trong cộng đồng nghiên cứu khoa học ở trong nước hoặc nước ngoài.” TS Bảo nhận xét, khi có “chim đầu đàn”, các nhóm nghiên cứu tự khắc thu hút được người ở các trường khác, đơn vị khác tìm đến hợp tác, nên phát triển rất nhanh.

Hỗ trợ cho chiến lược tìm “chim đầu đàn” là chính sách thưởng cho những người có công bố, được thực hiện từ năm 2013. Không đề cập mức thưởng cụ thể, bởi theo TS Bảo, đó không phải là vấn đề cốt lõi của bài toán, nhưng anh cho biết, thời gian đầu, cứ có bài báo quốc tế là được thưởng, còn bây giờ chỉ những bài báo Q1, Q2, Q3 (tức các tạp chí thuộc 25% đầu tiên, thứ hai và thứ ba trong danh mục SCI/Scopus).

“Tuy nhiên, với khối khoa học xã hội và nhân văn, trường vẫn thưởng cho cả những bài báo đăng trên tạp chí Q4” - TS Bảo bổ sung. Các tác giả chính, tác giả liên
hệ, đồng tác giả đều được thưởng theo các mức khác nhau. Trường cũng linh hoạt thưởng cho các tác giả đứng tên cho nhiều hơn một đơn vị, “vì việc một nhà khoa học có thể thuộc về nhiều tổ chức cũng là điều bình thường” - theo TS Bảo.


Hai mặt của hiện tượng "nhân đôi địa chỉ"

Bày tỏ quan điểm về chiến lược tăng trưởng công bố quốc tế của Đại học Duy Tân, một nhà toán học uy tín nói rằng, việc khuyến khích cả những bài báo có “địa chỉ nhân đôi” của Đại học Duy Tân không phải là điều nên học và cũng không dễ học theo vì nó đòi hỏi nguồn lực tài chính mạnh. (Theo TS Nguyễn Đức Hiền, năm 2016, Đại học Duy Tân chi 6,8 tỷ để thưởng cho các bài báo ISI/Scopus.)

Cách “bỏ tiền mua công bố” để làm giàu thành tích nghiên cứu này không phản ánh đúng thực lực nghiên cứu của trường, nhà toán học bình luận. “Khía cạnh tích cực nhất của chiến lược này là nó cho thấy có thể thúc đẩy nghiên cứu cơ bản với sự hỗ trợ của những nguồn lực tài chính nhất định” - ông nói.

Không cùng quan điểm đó, TS Giáp Văn Dương, trưởng nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam, cho biết, anh ủng hộ bất cứ chính sách nào có hiệu quả trong việc thúc đẩy, khích lệ nghiên cứu. “Cứ có nghiên cứu là tốt rồi, còn chuyện tác giả bài báo để địa chỉ nào dưới tên họ, về tổng thể, đối với tôi, không phải là câu chuyện quan trọng. Trường nào nghiêm túc chọn chiến lược khuyến khích công bố thì sớm muộn gì họ cũng sẽ lôi kéo được người tài. Tuy nhiên, chúng tôi đã thảo luận, từ năm tới, nhà nghiên cứu nào ghi hai địa chỉ thì bài báo sẽ chỉ được tính một nửa cho mỗi đơn vị trong bảng xếp hạng của chúng tôi.”

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Dũng, Viện Tiên tiến khoa học và công nghệ (AIST), Đại học Bách khoa Hà Nội, nhìn hiện tượng “nhân đôi địa chỉ” ở cả hai khía cạnh. “Có những công trình khoa học được thực hiện tại một số cơ sở chuyên nghiên cứu khoa học không phải là cơ sở giáo dục đại học, nhưng các tác giả của công trình, theo cách nào đó, đưa thêm địa chỉ của một cơ sở giáo dục đại học vào. Thực ra việc này có ý nghĩa tích cực ở chỗ, sự liên hệ, tương tác giữa cơ sở giáo dục đại học và cơ sở chuyên nghiên cứu theo thời gian sẽ có hiệu ứng tốt cho cơ sở giáo dục đại học, hoặc nâng cao thu nhập cho giới nghiên cứu khoa học...” - anh Dũng nói.

“Nhưng ở mặt nào đó, nó cũng có cả ý nghĩa tiêu cực, nếu năng suất nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục đại học không tăng, không tạo ra sự tích lũy lâu dài về năng lực nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học, coi việc ‘công bố quốc tế’ chỉ là một phần của hoạt động truyền thông quảng bá” - anh Dũng phân tích.
Trong trường hợp Đại học Duy Tân, theo TS Lê Nguyên Bảo, kể từ khi mạng lưới hợp tác mở rộng, tỷ lệ bài báo ISI do các giảng viên cơ hữu của trường đứng tên giảm dần (hiện ở mức 40%) nhưng vẫn tăng đều về con số tuyệt đối.

Một số chính sách khuyến khích nghiên cứu của Đại học Duy Tân do TS Nguyễn Đức Hiền thông tin:

- Giảng viên/nghiên cứu viên được chủ động xây dựng nhóm nghiên cứu (giới thiệu và tham gia tuyển dụng cùng nhà trường) và nhà trường sẵn sàng đầu tư trang thiết bị để nhóm nghiên cứu phát huy tối đa kết quả.

- Các bài báo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được nhân hệ số 1,2 trong mức khen thưởng.

- Các kết quả hoạt động nghiên cứu đều được lượng hóa bằng điểm số đánh giá thi đua và thi đua gắn với thu nhập.

- Hằng năm, cá nhân có kết quả nghiên cứu xuất sắc có thể được thưởng từ 45 triệu đến 225 triệu đồng.

- Hỗ trợ mọi kinh phí đào tạo và 5 triệu đồng/tháng đối với giảng viên làm nghiên cứu sinh.

- Hỗ trợ tiền thuê nhà đối với các tiến sỹ được đào tạo ở nước ngoài, có khả năng công bố các bài báo quốc tế khi chuyển đến trường làm việc.