Những đường rãnh sẫm màu trên bề mặt sao Hỏa không phải là nước chảy mà đơn thuần chỉ là dòng chảy của cát hoặc bụi.
Năm 2005, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố phát hiện bằng chứng cho thấy có nước chảy trên bề mặt sao Hỏa.
Đó là những đường rãnh sẫm màu, bên trong có muối khoáng kết hợp với
chất lỏng và xuất hiện theo mùa. Theo Jim Green, nhà khoa học chuyên
nghiên cứu về các hành tinh tại NASA, trong tương lai các phi hành gia
sẽ phải tiếp xúc với bùn trộn muối khoáng khi khám phá hành tinh Đỏ.
Những nhà khoa học tại Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) đã xét lại giả thuyết trên và khẳng định những đường rãnh sẫm màu trên sao Hỏa đơn thuần chỉ là dấu vết dòng chảy của cát hoặc bụi. Kết quả được công bố trên Nature Geoscience hôm 20/11.
"Hiểu biết mới củng cố cho những bằng chứng trước đây rằng sao Hỏa đang ngày càng khô hạn" - Colin Dundas, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Dundas cùng các đồng nghiệp đã kiểm tra dữ liệu ảnh chụp của hàng chục
đường rãnh sẫm màu tại nhiều điểm khác nhau trên bề mặt sao Hỏa do Tàu
Quỹ đạo Trinh sát Sao Hỏa (Mars Reconnaissance Orbiter – MRO) gửi về. Họ
nhận thấy chúng không có những đặc điểm giống với dòng chảy của nước và
chỉ tồn tại ở các đỉnh của những sườn núi rất dốc.
Ngoài ra, theo ghi nhận của các nhà khoa học, tất cả các rãnh đều biến mất khi độ dốc của chúng trùng với góc nghỉ động lực học – góc nghiêng lớn nhất mà tại đó vật chất có thể bị dồn thành đống nhưng không đổ. Ai đã từng xây lâu đài cát hẳn sẽ biết nguyên lý này. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho đống cát khô với góc nghỉ nông có xu hướng trượt khỏi hình dạng ban đầu. Nhưng đối với cát ướt và góc nghỉ dốc thì có thể xây thành hình dạng như tháp hay lâu đài nhỏ.
Dundas và McEwen, đồng tác giả nghiên cứu tới từ Đại học Arizona (Mỹ) cho biết, các rãnh sẫm màu trên sao Hỏa không phải do nước chảy. Chúng giống như những luồng cát khô trượt xuống từ hai phía của một lâu đài cát đang đổ. Những rãnh cát như vậy thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết nóng và chứa các phân tử perchlorate.
Quốc Hùng (Theo Science Alert)