Bằng cả "gia tài"
Trong một khảo sát về chủ đề này, các nhà nghiên cứu thuộc Science và Retraction Watch đã tìm kiếm những tài liệu chính thức về mức thưởng tại các trường, viện và cơ sở nghiên cứu có chính sách khuyến khích công bố khoa học. Vì nghiên cứu của họ chỉ dựa trên các tài liệu bằng tiếng Anh lấy từ Internet nên thông tin có thể chưa đầy đủ.
Nhưng có thể thấy, chính sách thưởng cho công bố khoa học có ở khắp mọi nơi, bao gồm cả những trường, viện, và cơ sở nghiên cứu tại Mỹ. Phần thưởng chủ yếu ở dạng tiền mặt, có khi chỉ là những khoản nhỏ trị giá 10 USD như tại Đại học Oakwood ở Huntsville (Alabama) đối với các tác giả có bài báo được trích dẫn. Một số trường đại học thưởng tiền cho giảng viên và nhà nghiên cứu; trong khi có những trường lại thưởng cho cả tác giả bài báo là sinh viên.
Các nhà khoa học tại Trung Quốc có thể nhận được cả một gia tài “tương đối” nếu họ có bài công bố trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng (IF) lớn. Một phân tích gần đây trên arXiv cho thấy, trung bình, các trường đại học Trung Quốc thưởng tới 43.000 USD cho tác giả thứ nhất (first author) nếu công bố của họ được đăng trên Nature hay Science; mức thưởng kỷ lục thậm chí đã lên tới 165.000 USD. Trong hầu hết các trường hợp, tiền thưởng được trao cho tác giả thứ nhất.
Mặc dù không chi “hào phóng” như Trung Quốc nhưng tại hai nước vùng Vịnh là Ảrập Saudi và Qatar, các nhà khoa học cũng có thể kỳ vọng những khoản tiền thưởng khá lớn khi có công bố.
Mức thưởng lớn nhất cho công bố khoa học tại một số quốc gia.
Chẳng hạn, Đại học Qatar ở Doha thưởng trung bình 13.700 USD cho một bài đăng trên Nature hay Science, và phần lớn số tiền đó sẽ thuộc về tác giả thứ nhất. Thậm chí, trường này còn chiếu cố thưởng 820 USD cho cả những tác giả có bài đăng trên các tạp chí có hệ số ảnh hưởng dưới 1.
Paula Stephan, nhà kinh tế thuộc Đại học Bang Georgia ở Atlanta (Mỹ), người nghiên cứu về tác động của chính sách thưởng tiền đối với hoạt động công bố khoa học, nói rằng bà hơi ngạc nhiên khi thấy chính sách này lan sang cả các nước phương Tây.
Chẳng hạn, Trường Kinh doanh Miller ở Muncie, bang Indiana (Mỹ), thưởng khoảng 2.000USD cho bất cứ tác giả nào có công bố trên 100 tạp chí thuộc một danh mục uy tín trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Tác giả có thể nhận khoản thưởng bằng tiền mặt; dùng nó để trả cho những hoạt động học thuật như phí thành viên tại các hiệp hội; hay như một dạng thành tích, cho phép họ được giảm bớt khối lượng công việc giảng dạy. Ngoài ra, trường cũng không hạn chế số lần một tác giả được nhận thưởng.
Chỉ tăng lượng không tăng chất
“Con người chịu tác động bởi lợi ích”, Stephan nhận định, “và ngay lúc này, các cơ sở nghiên cứu cũng đang bị chi phối khủng khiếp bởi phương pháp đo lường thông tin thư mục”. Các cơ sở nghiên cứu ở đâu cũng vậy, đều nhìn vào dữ liệu về hệ số ảnh hưởng và trích dẫn của các nhà nghiên cứu, bà nói. Tuy nhiên, chính sách thưởng tiền có thể gây ra tác động ngược, tạo áp lực lên các tạp chí.
Trong một bài báo đăng trên Science năm 2011, Stephen và các đồng nghiệp đã chỉ ra: thưởng tiền có thể làm tăng tỷ lệ gửi bài đến tạp chí Science nhưng không làm tăng tỷ lệ được chấp nhận. “Khi bạn được thưởng một món tiền lớn vì có bài đăng ở một nhóm rất ít các tạp chí thì trên bình diện cả hệ thống điều đó không hiệu quả”.
Xét ở khía cạnh tích cực thì chính sách thưởng cho công bố khoa học có thể nhen nhóm hoạt động hợp tác giữa các nhà khoa học, Stephan nhận xét. Một nhà vật lý mà bà quen biết, người thường xuyên có công bố trên Nature và Science, hiện nhận được khá nhiều đề nghị hợp tác từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc. “Điều này có thể có lợi, theo nhiều cách”, Stephen nói, “Chí ít thì nó cũng khuyến khích các nhà khoa học tìm đến nhau.”