Một khảo sát của Nature cho thấy, 8 trong số 10 nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) trên khắp thế giới nói rằng đại dịch virus corona đã cản trở khả năng tiến hành các thí nghiệm hay thu thập dữ liệu của họ.

Cuộc khảo sát, diễn ra từ giữa tháng Sáu tới cuối tháng Bảy năm nay, thu hút hơn 7.000 phản hồi từ các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ xung quanh những câu hỏi chi tiết về tác động của COVID-19 tới cộng đồng nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ toàn cầu.

Kết quả đầy đủ của cuộc khảo sát hiện vẫn đang được phân tích và dự kiến được công bố vào tháng 11.

Công việc bấp bênh


Một nửa số người tham gia khảo sát cho biết họ đang xem xét khả năng rời bỏ công việc nghiên cứu. Ảnh: Getty

1% những người phản hồi nói rằng bản thân họ đã bị nhiễm COVID-19, 9% nói rằng họ nghi ngờ mình bị nhiễm nhưng chưa được xét nghiệm, và 61% thừa nhận đại dịch đã khiến sự nghiệp của họ lao đao và bi quan hơn bao giờ hết.

Nhiều người thừa nhận đã mất việc hoặc bị ngưng lại lời mời làm việc, một số thì bị mắc kẹt ở nước ngoài do tình trạng phong tỏa.

Một nhà nghiên cứu hoá sinh ở Brazil chia sẻ trong phần bình luận bổ sung của khảo sát rằng, các hợp đồng sau tiến sĩ ở nước cô thường chỉ kéo dài 1 hoặc 2 năm, và giờ đây việc gia hạn trở nên mong manh hơn bao giờ hết, tạo ra một tình huống vô cùng khó khăn đối với những nhà nghiên cứu. “Ở đây, chúng tôi sống trong một thực tế rằng các PhD phải đi bán thức ăn ngoài đường để kiếm sống, bởi phần lớn không thể kiếm học bổng hoặc xin việc”.

Ảnh hưởng của đại dịch giờ đây đã trở thành một trong những nỗi lo hàng đầu của các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ với 40% người tham gia khảo sát báo cáo điều này, bên cạnh việc cạnh tranh xin tài trợ (64%) và sự thiếu hụt công việc trong lĩnh vực của mình (45%).

Tác động tới các thực nghiệm và các mối quan hệ

80% số nghiên cứu sinh sau tiến sĩ được hỏi thừa nhận rằng đại dịch đã cản trở khả năng tiến hành thí nghiệm của họ. Nhiều kế hoạch nghiên cứu bị thay đổi do các nhà nghiên cứu bị kẹt ở các nước khác trước đại dịch. Họ không thể làm việc và VISA của họ sẽ sớm hết hạn, trong khi các chuyến bay thương mại tiếp tục bị đình trệ.

Ngoài ra, hơn 50% số người được hỏi nói rằng họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc gặp gỡ, thảo luận với cấp trên hoặc đồng nghiệp; 57% gặp khó khăn trong việc chia sẻ các phát hiện mới trong nghiên cứu của mình.

Khảo sát cũng có những câu hỏi về người hướng dẫn (supervisor), một vai trò có tầm quan trọng hơn bao giờ hết trong thời kỳ khủng hoảng này. Hơn nửa số người được hỏi nói rằng người hướng dẫn của họ đã tích cực hướng dẫn họ làm việc trong mùa dịch, nhưng ⅓ cho biết họ không nhận được sự trợ giúp đó.

Phần bình luận bổ sung trong cuộc khảo sát cũng cho thấy dịch COVID-19 đã làm mối quan hệ giữa người hướng dẫn – nghiên cứu sinh sau tiến sĩ trở nên xa cách hơn. Có những người hướng dẫn làm rất ít hay không làm gì để bảo vệ nghiên cứu sinh của mình khỏi những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Thậm chí, có những người hướng dẫn không chịu đeo khẩu trang và yêu cầu các nghiên cứu sinh của mình phải làm việc khi thiếu các phương thức bảo vệ.

Không thể để đại dịch phá tan sự nghiệp của các nhà nghiên cứu trẻ

Nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả khảo sát với một số tổ chức tài trợ lớn ở Úc, châu Âu và Mỹ. Các tổ chức đều mô tả những cách thức mà họ đang thực hiện để hỗ trợ các nhà nghiên cứu mới vào nghề, thí dụ như gia hạn cho các dự án. Mọi nỗ lực dù nhỏ đều được hoan nghênh, tuy nhiên, khi mà phần lớn các nền kinh tế đang trong tình trạng suy thoái, những điều đó chưa đủ để cứu lấy rất nhiều sự nghiệp khoa học.

Bây giờ là khoảng thời gian cần tạm dừng hoặc làm chậm lại bộ máy đánh giá nghiên cứu. Ngay cả trước khi dịch bệnh xảy đến, các nhà nghiên cứu mới vào nghề vốn đã phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ những đánh giá không ngừng nghỉ và môi trường làm việc cạnh tranh. Đại dịch làm tình trạng này tệ hơn. Những khủng hoảng của cá nhân giờ đây trở thành khủng hoảng của cả một hệ thống gồm những nghiên cứu sinh sau tiến sĩ. Chúng ta không thể cho phép đại dịch này phá tan sự nghiệp của những người trẻ – mà rất nhiều trong số họ có khả năng trở thành những người đóng góp vào việc tìm ra giải pháp cho nó.

Tài liệu tham khảo

Nature. (2020). Postdocs in crisis: science cannot risk losing the next generation. Nature, 585(7824), 160–160. https://doi.org/10.1038/d41586-020-02541-9

Woolston, C. (2020). Pandemic darkens postdocs’ work and career hopes. Nature, 585(7824), 309–312. https://doi.org/10.1038/d41586-020-02548-2