Tháp đá là một công trình kiến trúc đặc trưng của nền văn minh Ai Cập cổ đại. Nhưng nó không chỉ phổ biến ở Ai Cập mà còn xuất hiện tại nhiều nơi khác trên thế giới, trở thành chiến lợi phẩm sau chiến tranh, và thậm chí là quà tặng giữa các quốc gia.

Tháp đá trước ngôi Đền Luxor. Ảnh: Wikipedia
Tháp đá trước ngôi Đền Luxor. Ảnh: Wikipedia

Một trong những tháp đá (obelisk) nổi tiếng mang tên “Tháp của Cleopatra”, nặng 224 tấn và bề mặt được khắc các chữ tượng hình hiện nay vẫn đứng sừng sững để mọi người chiêm ngưỡng. Nhưng nó không nằm ở Cairo (Ai Cập) mà tọa lạc tại London, thủ đô của nước Anh. Người Ai Cập cổ đại đã để lại một di sản kiến trúc tháp đá vô cùng ấn tượng từ nền văn minh 3.000 năm của họ. Đáng tiếc là ngày nay có rất ít tháp đá còn sót lại ở Ai Cập.

Người Ai Cập thường đặt những cột đá cao, thon dần về phía đỉnh, trước lối vào các đền thờ để tôn vinh thần Mặt trời Ra (hoặc Re).

Vị vua Ashurbanipal của Assyria (trị vì từ năm 669 đến năm 627 trước Công nguyên) là một trong số những người rất yêu thích tháp đá. Sau khi cướp phá thành phố Thebes (Ai Cập) vào năm 664 trước Công nguyên, ông đã cho vận chuyển một cặp tháp đá về cung điện hoàng gia ở Nineveh, thuộc vùng đất Iraq ngày nay.

Người Hy Lạp đặt tên cho những công trình kiến trúc này là “obeliskos”, nghĩa là “các cột nhỏ và nhọn”. Trong khi đó, người Ai Cập gọi chúng là “tekhen”, một từ có nguồn gốc không rõ ràng. Tháp đá thường được làm từ đá granite, có mặt cắt vuông theo chiều ngang và thon dần về phía đỉnh – nơi người Ai Cập sẽ đặt một kim tự tháp nhỏ.

Để phản chiếu ánh sáng Mặt trời, kim tự tháp ở trên đỉnh của tháp đá đôi khi được phủ vàng hoặc electrum, một hợp kim tự nhiên của vàng và bạc. Người Ai Cập gọi nó là “benben” có nghĩa là “chiếu sáng, tỏa sáng”.

Phần chân đế của tháp đá thường có hình khỉ đầu chó, loài vật gắn liền với Mặt trời do tiếng kêu đặc trưng, vang vọng của chúng vào lúc bình minh và hoàng hôn. Thân tháp, phần nâng đỡ kim tự tháp nhỏ trên đỉnh, được khắc chữ tượng hình nhằm tôn vinh các vị thần hoặc người cai trị đã giao nhiệm vụ xây dựng tháp.

Những tháp đá đầu tiên


Các tháp đá đầu tiên của người Ai Cập cổ đại xuất hiện vào đầu thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên, tại một thành phố ở phía Bắc Ai Cập, nơi trung tâm của việc thờ phụng thần Mặt trời Ra. Về sau, người Hy Lạp gọi thành phố này là Heliopolis, nghĩa là “thành phố của Mặt trời”. Trong khi đó, người Ai Cập gọi nơi này là Iunu, hay “thành phố của những cây cột”, ám chỉ đến những tháp đá tượng trưng cho tia nắng Mặt trời hóa thành đá. Đáng tiếc là ngày nay không còn dấu tích nào của thành phố Heliopolis, nơi từng được ca ngợi vì vẻ đẹp của nó.

Tại khu vực Abusir ở Ai Cập, nằm ngay phía Nam Cairo, những người cai trị triều đại thứ năm trong thời kỳ Vương quốc Cổ (2575-2150 trước Công nguyên) đã xây dựng các đền thờ Mặt trời. Mỗi ngôi đền đều có một sân rộng, với một tháp đá đứng ở giữa và một bàn thờ lớn để dâng lễ vật tại chân tháp.

Những tháp đá thời kỳ đầu chỉ là những khối đá đơn giản, chưa có kiểu dáng thon dài đặc trưng. Chiều cao của chúng tương đối thấp, không quá 3,3m. Chúng được làm bằng đá granit đỏ, khai thác từ các mỏ đá ở khu vực Aswan gần sông Nile. Khối đá dùng để làm tháp phải hoàn toàn nguyên vẹn. Nếu nó bị vỡ hoặc nứt, người Ai Cập sẽ dừng quá trình khai thác ngay lập tức và lựa chọn một khối đá mới. Để đục đẽo và chạm khắc tháp đá, họ sử dụng các dụng cụ cầm tay làm từ đá dolerite, cưa và máy khoan bằng đồng, cùng với một hỗn hợp mài mòn bao gồm nước và cát silica (cát thạch anh), theo National Geographic.

Tháp đá dần trở nên thịnh hành

Truyền thống xây dựng tháp đá đã lan rộng khắp Ai Cập trong thời kỳ Trung Vương quốc (năm 1975-1640 trước Công nguyên). Tuy nhiên, mãi đến thời kỳ Tân Vương quốc (năm 1539-1075 trước Công nguyên), người Ai Cập mới bắt đầu xây dựng các tháp đá khổng lồ có chiều cao từ 20-30m, giống như những gì chúng ta biết ngày nay. Tháp đá trong giai đoạn này cũng được chạm khắc từ một khối đá duy nhất, nhưng chúng cao và thon hơn so với các phiên bản trước đó, làm cho quá trình khai thác và dựng chúng lên theo chiều thẳng đứng càng trở nên phức tạp.

Tháp đá trong thời kỳ Tân Vương quốc gần như luôn được dựng thành từng cặp trước cổng lớn của những ngôi đền để tạo nên sự đối xứng. Nhà Ai Cập học người Ý Maurizio Damiano-Appia cho rằng chúng có thể tượng trưng cho Mặt trời và Mặt trăng.

Không một cặp tháp đá nào của Ai Cập còn nguyên vẹn ở vị trí ban đầu. Cặp tháp đá cuối cùng do Pharaon Ramses II ủy quyền xây dựng từng đứng trước cổng chính của Đền Luxor. Nhưng vào năm 1830, Muhammad Ali – chỉ huy quân sự của đế chế Ottoman tại Ai Cập – đã tặng một trong hai tháp cho vua Pháp. Hiện nay, nó đứng uy nghi tại Quảng trường Concorde ở Paris, nơi nó được dựng lên vào năm 1836.

Sau khi La Mã chinh phục Ai Cập vào năm 30 trước Công nguyên, họ đã di dời nhiều tháp đá sang châu Âu. Hoàng đế La Mã Augustuslà người đã khởi xướng việc vận chuyển các tháp đá từ Ai Cập đến thành Rome, và truyền thống này tiếp tục kéo dài trong suốt thời kỳ đế quốc La Mã chiếm đóng. Ban đầu, các tháp đá được coi là chiến lợi phẩm chiến tranh, là biểu tượng cho chiến thắng của La Mã trước Ai Cập. Sau đó, khi các tín ngưỡng Ai Cập trở nên phổ biến hơn ở Rome, chúng được trân trọng vì ý nghĩa biểu tượng và tôn giáo mà chúng mang lại.

Cũng trong thời La Mã cổ đại, người ta thường đặt một tháp đá lớn ở giữa các trường đua ngựa để trang trí. Trong trường hợp này, tháp đá vẫn vẫn mang ý nghĩa biểu tượng và có mối liên hệ với Mặt trời, bởi vì đối với người La Mã, những cuộc đua xe ngựa tượng trưng cho hành trình của thần Apollo [vị thần Mặt trời] qua bầu trời. Các tháp đá nhỏ hơn được xây dựng tại các ngôi đền thờ thần Isis hoặc thần Serapis. Ngày nay, thành phố Rome có tổng cộng 13 tháp đá Ai Cập, nhiều hơn bất kỳ thành phố hay quốc gia nào khác trên thế giới.

Đến thế kỷ 19, việc di chuyển các tháp đá từ Ai Cập sang các quốc gia khác lại tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, lần này các tháp đá không còn là chiến lợi phẩm sau chiến tranh mà nó đóng vai trò như một quà tặng. Chính phủ Ai Cập đã tách rời một cặp tháp đá nổi tiếng được biết đến với tên gọi “Tháp của Cleopatra” ở thành phố Alexandria để gửi tặng một tháp đến thành phố New York (Mỹ) và tháp còn lại đến London (Anh).

Bên cạnh đó, các tháp đá mới trên khắp thế giới cũng được xây dựng bằng những kỹ thuật và vật liệu hiện đại, chẳng hạn như Đài tưởng niệm Washington ở thủ đô của Mỹ. Đài tưởng niệm này cao gấp năm lần các tháp đá của người Ai Cập, và người ta xây dựng nó để thể hiện sự tôn kính đối với Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ George Washington. Sự yêu thích đối với các tháp đá trên toàn thế giới cho thấy sức hấp dẫn của chúng vẫn rất mạnh mẽ, và ảnh hưởng của nền văn minh Ai Cập cổ đại tiếp tục kéo dài qua nhiều thế kỷ.

Theo: National Geographic

Đăng số 1310 (số 38/2024) KH&PT