Các nhà khoa học tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) lần đầu tiên tạo ra các tế bào động vật có khả năng hấp thụ ánh sáng Mặt trời và quang hợp giống như thực vật.

Chuột hamster được cấy tế bào chứa lục lạp. Ảnh: Simol1407/ Envato Elements
Chuột hamster được cấy tế bào chứa lục lạp. Ảnh: Simol1407/ Envato Elements

Tế bào động vật và thực vật có các bào quan khác nhau để tạo ra năng lượng. Tế bào động vật sử dụng ty thể để chuyển hóa năng lượng hóa học từ thức ăn, trong khi tế bào thực vật sử dụng lục lạp để thực hiện quá trình quang hợp khi ánh sáng chiếu vào.

Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã mơ ước tạo ra vật nuôi có khả năng quang hợp, không cần sử dụng thức ăn thông thường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hệ thống miễn dịch của động vật có xu hướng phá hủy lục lạp ngay sau khi người ta đưa chúng vào tế bào động vật. Thêm vào đó, lục lạp thường không chịu được nhiệt độ cao trong tế bào động vật (khoảng 37°C). Đó là lý do trước đây chưa ai từng thành công trong các thí nghiệm tương tự.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Proceedings of the Japan Academy, Series B vào ngày 31/10, các nhà khoa học đã cấy thành công lục lạp trích xuất từ tảo đỏ (Cyanidioschyzon merolae) vào tế bào chuột hamster. Loại tảo này mọc ở suối nước nóng tại Ý, có khả năng quang hợp ở nhiệt độ trên 37°C. Kết quả là nhóm nghiên cứu đã tạo ra tế bào chuột có thể thực hiện chức năng quang hợp trong ít nhất hai ngày.

Trong tương lai, công nghệ đột phá này có thể ứng dụng cho mục đích nuôi cấy các cơ quan và mô cấy ghép, hoặc mở rộng quy mô sản xuất thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm.

Nguồn: Newatlas, iflscience

Đăng số 1317 (số 45/2024)KH&PT