Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, vi nấm có nguồn gốc từ hải miên (bọt biển) ở vùng biển Khánh Hòa có tính đa dạng và tiềm năng tạo ra các hoạt chất sinh học mới.
Từ thực tế trên, TS. Phan Thị Hoài Trinh và cộng sự đã đề xuất và được Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phê duyệt thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thu nhận các hợp chất kháng ung thư từ vi nấm biển được phân lập từ hải miên ở vùng biển Khánh Hòa” (mã số: VAST06.02/21-22), với mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên và xác định quy trình lên men, phân tách để thu nhận các chất chuyển hóa có hoạt tính kháng ung thư cao từ chủng vi nấm biển tiềm năng.
Kết quả, nhóm đã phân lập thành công 65 chủng vi nấm từ 36 mẫu hải miên được thu thập tại vịnh Nha Trang. Qua sàng lọc cho thấy, 30/65 chủng vi nấm cho thấy hoạt tính gây độc đối với các dòng tế bào ung thư vú (MCF-7) và ung thư cổ tử cung (Hela) ở người. Đặc biệt, nghiên cứu đã phân loại 11 chủng vi nấm có hoạt tính kháng ung thư cao, bao gồm năm chủng thuộc chi Aspergillus, hai chủng thuộc chi Penicillium, ba chủng thuộc chi Fusarium và một chủng thuộc chi Trichoderma. Nghiên cứu cũng xác định được điều kiện lên men thích hợp cho chủng vi nấm Aspergillus sp. 1901NT-1.2.2, với thời gian lên men là 22 ngày, nồng độ muối biển 30 g/L và pH 8,0, để thu nhận hợp chất kháng ung thư có hàm lượng cao.
Nhóm nghiên cứu đã công bố các kết quả trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Đồng thời, các nhà khoa học đã lưu trữ 65 chủng vi nấm biển tại bộ sưu tập vi sinh vật biển thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, tạo nền tảng vững chắc cho các nghiên cứu tiếp theo, mở ra triển vọng cho các liệu pháp điều trị ung thư an toàn và hiệu quả hơn.
Đăng số 1317 (số 45/2024) KH&PT
Diệu Linh