Theo nghiên cứu, tải lượng ô nhiễm và chỉ mục về nguy cơ rủi ro sinh thái tiềm năng của vi nhựa ở các vùng ven biển Việt Nam hiện ở mức nhỏ, song chỉ mục nguy cơ về polymer lại ở mức cao.
Trong một nghiên cứu sơ bộ về ô nhiễm vi nhựa ở các rạn san hô Việt Nam, các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Xây dựng đã đánh giá được rủi ro sinh thái do vi nhựa đối với các hệ sinh thái biển.
Các nhà nghiên cứu đã tập trung vào trầm tích và các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, bao gồm Pinna bicolor, Atrina vexillum, Saccostrea sp., và Pinctada margaritifera, sống ở các rạn san hô ở vùng ven biển miền Nam. Tất cả các mẫu này đều được lấy ở bốn địa điểm đi qua mà chuyến khảo sát biển của tàu nghiên cứu mang tên Viện sĩ Oparin ở khu vực biển phía Nam.
Kết quả phân tích cho thấy, số lượng trung bình của vi nhựa là 0,45 ± 0,13 vi nhựa/g mô mềm, 5,60 ± 1,49 vi nhựa/con và 294 ± 43 vi nhựa/kg trầm tích khô. Các vi nhựa dạng mảnh, kích thước nhỏ hơn 100μm, chủ yếu là các loại nhựa nhiệt dẻo thường được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm gia dụng, tiêu dùng, hoạt động du lịch…
Họ phát hiện ra, tải lượng ô nhiễm và chỉ mục về nguy cơ rủi ro sinh thái tiềm năng của vi nhựa ở mức nhỏ song chỉ mục nguy cơ về polymer lại ở mức cao. Điều này nhấn mạnh vào nguy cơ rủi ro của vi nhựa lên các rạn san hô trong khu vực nghiên cứu.
Kết quả được nêu chi tiết trong bài “Risk assessments of microplastic exposure in bivalves living in the coral reefs of Vietnam”, xuất bản trên tạp chí Marine Pollution Bulletin.
Tin đăng KH&PT số 1317 (số 45/2024)
Thanh Hương