Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã nghiên cứu, chế tạo robot có thể sử dụng trong nhà hàng, bệnh viện,… với giá thành chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập khẩu có tính năng tương tự.

Tại Hội thảo “Công nghệ sản xuất robot tự hành thông minh phục vụ chuyển đổi số trong sản xuất, giáo dục, dịch vụ và hành chính” do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức ngày 1/11, TS Đặng Xuân Ba, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết, nhóm nghiên cứu mà ông là một thành viên đã nghiên cứu, chế tạo ra robot RSR02, có thể sử dụng trong các ngành dịch vụ như nhà hàng, bệnh viện,…

Robot RSR02 tích hợp các công nghệ tiên tiến như ROS, SLAM và Lidar. Trong đó, ROS là một phần mềm mã nguồn mở được thiết kế để hỗ trợ phát triển và điều khiển robot. Công nghệ SLAM cho phép robot hoặc xe tự hành xây dựng bản đồ của môi trường xung quanh, đồng thời xác định vị trí của chính nó trong bản đồ đó. Nhóm sử dụng một loạt các cảm biến như máy ảnh, cảm biến tiệm cận, laser, siêu âm để thu thập dữ liệu từ môi trường và sử dụng các thuật toán phân tích dữ liệu, xác định vị trí và xây dựng bản đồ môi trường xung quanh. Công nghệ Lidar là một cách thức đo khoảng cách, từ vị trí bắt đầu tới mục tiêu, bằng cách chiếu tia laser đến mục tiêu đó và sử dụng cảm biến để đo xung phản xạ. Công nghệ này giúp định vị chính xác, phát hiện và tránh vật cản, tự động hóa, linh hoạt, tiết kiệm thời gian,…

Sự kết hợp của ROS, SLAM và Lidar giúp robot tự hành di chuyển trong môi trường không gian 3D một cách an toàn và hiệu quả.

T
TS Đặng Xuân Ba giới thiệu robot tại hội thảo. Ảnh: CT

Bên cạnh đó, nhờ sử dụng các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ trong bộ công cụ tương tác mềm, robot RSR02 có thể giao tiếp với người dùng một cách linh hoạt bằng giọng nói và tra cứu thông tin cần thiết.

Trong môi trường bệnh viện, robot có thể dẫn đường bệnh nhân tới các khoa, phòng. Ngoài ra, thông tin về bác sĩ, khoa, phòng, lịch khám... được cập nhật vào bộ dữ liệu của robot. Bệnh nhân ra lệnh bằng giọng nói về nhu cầu thông tin, robot sẽ trả lời bằng âm thanh. Robot cũng có thể trả lời mọi lĩnh vực nhờ được huấn luyện bởi mô hình AI cho phép truy xuất thông tin từ internet.

Đối với nhà hàng, khách sạn, robot có thể giao các món ăn theo thứ tự. Trên bảng điều khiển, nhân viên chỉ cần sử dụng thiết bị điều khiển (remote) hoặc cài đặt app trên điện thoại để điều khiển từ xa. Trên bảng điều khiển robot, chỉ cần bấm chọn bàn hoặc phòng cần giao, robot sẽ tự động giao đồ ăn đến tận nơi. Sau khi giao hàng, robot quay trở lại vị trí chờ ban đầu đã được lập trình trên bản đồ trước đó.

R
Robot do nhóm nghiên cứu chế tạo. Ảnh: CT

Ngoài ra, robot còn có một số tính năng khác như thay đổi vận tốc di chuyển, sạc tự động, điểm danh,… Robot có thể hoạt động trong bốn giờ, thời gian sạc một giờ, với hai công nghệ sạc tự động và thủ công.

TS Đặng Xuân Ba cho biết thêm, do làm chủ toàn bộ nghiên cứu và chế tạo, giá thành các mẫu robot của nhóm chỉ dao động trong khoảng 50 - 80 triệu đồng/sản phẩm, thấp hơn so với giá của robot nhập ngoại có tính năng tương tự (150 – 200 triệu đồng).

Robot RSR02 đã được đưa vào sử dụng tại một số nhà hàng tại Sóc Trăng, Bệnh viện 115 (TPHCM). Hiện nhóm nghiên cứu tiếp tục cải tiến sản phẩm nhằm phục vụ các đơn vị sản xuất robot công nghiệp, chế tạo máy, cơ khí,… Đối với những đơn vị như cơ quan hành chính, cơ sở giáo dục, nhà hàng, khách sạn…, nhóm nghiên cứu sẵn sàng cung cấp các mẫu robot đáp ứng theo nhu cầu của từng đơn vị.