Dựa trên phương pháp đánh giá tuổi của những tinh thể cổ xưa, các nhà nghiên cứu phát hiện phiến Đá Bệ thờ (Altar Stone) khổng lồ nằm ở trung tâm của bãi đá cổ Stonehenge có nguồn gốc từ Scotland, cách di chỉ khảo cổ này khoảng 800km.

Đá Bệ thờ (vùng khoanh tròn) nằm bên dưới hai tảng đá khác bị ngã đổ tại trung tâm Stonehenge. Ảnh: Thetimes
Đá Bệ thờ (vùng khoanh tròn) nằm bên dưới hai tảng đá khác bị ngã đổ tại trung tâm Stonehenge. Ảnh: Thetimes

Stonehenge là một vòng tròn đá trên đồng bằng Salisbury ở miền Nam nước Anh có niên đại từ thời thời kỳ đồ đá mới. Nó đã thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu cổ vật và khách du lịch trong nhiều thế kỷ. Vào thế kỷ 12, giáo sĩ Henry xứ Huntingdon đã mô tả vòng tròn đá Stonehenge là một trong những kỳ quan vĩ đại của nước Anh, và ông cũng không biết rõ người cổ đại xây dựng nó nhằm mục đích gì.

Trong nhiều thế kỷ, người ta đề xuất các giả thuyết khác nhau về những người đã xây dựng Stonehenge, từ người La Mã, người Viking, người Saxon, các tu sĩ Druid và thậm chí cả Merlin, pháp sư trong triều đình của Vua Arthur. Theo một câu chuyện thời Trung cổ, Merlin đã dùng phép thuật của mình để đưa những tảng đá vượt qua biển từ vùng đất Ireland.

Các phân tích địa hóa học về phiến Đá Bệ thờ (Altar Stone), hoặc Tảng đá Tế đàn – một phiến đá sa thạch nằm ở trung tâm của vòng tròn đá và bị chôn vùi một phần dưới đất – cho thấy câu chuyện có thể còn thú vị hơn nhiều. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào ngày 14/8, các nhà khoa học Anh và Australia phát hiện khoảng 4.500 năm trước, những người đi biển thời kỳ đồ đá mới có thể đã vận chuyển phiến đá nặng sáu tấn này hơn 800km bằng đường biển từ miền Bắc Scotland. Trong khi đó, các tảng đá khác trong vòng tròn có nguồn gốc từ Anh và xứ Wales.

Khám phá trên đã làm giới khảo cổ học vô cùng phấn khích.”Đây là một nghiên cứu tuyệt vời với những phát hiện mang ý nghĩa quan trọng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những người xây dựng vòng tròn đá sống trên đảo Anh trong xã hội thời kỳ đồ đá mới, từ khoảng năm 4300 trước Công nguyên đến năm 2000 trước Công nguyên”, Jim Leary, nhà khảo cổ học thực địa tại Đại học York (Anh), nhận định.

Nền văn hóa này phát triển mạnh mẽ ở Quần đảo Orkney tại Scotland trong nhiều thế kỷ trước khi Stonehenge được xây dựng, và các nhà khảo cổ rất quan tâm đến nghệ thuật, truyền thống làm đồ gốm và công trình kiến trúc của họ. “Những công trình mà họ xây dựng thể hiện sự kết nối về văn hóa hoặc tín ngưỡng giữa các vùng khác nhau hoặc các cộng đồng khác nhau, vượt ra ngoài phạm vi địa phương”, Leary cho biết.

Những phiến đá mang tính biểu tượng của Stonehenge được chia thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên bao gồm khoảng 30 tảng đá sa thạch lớn, dựng đứng, tạo thành các vòng tròn bên ngoài và bên trong. Hầu hết chúng đều đội một tảng đá nằm ngang ở trên đầu. Các nhà khoa học đã xác định nguồn gốc của những tảng đá này đến từ khu vực Marlborough Downs, cách Stonehenge khoảng 25km. Nhóm còn lại bao gồm khoảng 80 tảng đá xanh (bluestone), có nguồn gốc chủ yếu từ dãy núi Mynydd Preseli ở phía Tây xứ Wales.

Đá Bệ thờ, một khối sa thạch nặng sáu tấn, có kích thước chiều dài 5 mét và rộng 1 mét, là khối đá lớn nhất trong số các tảng đá xanh. Người đã đặt tên cho Đá Bệ thờ là kiến ​​trúc sư người Anh Inigo Jones sống ở thế kỷ 17. Ông mô tả tảng đá này nằm ngang và phẳng như mặt bàn, trông giống như một bàn thờ ở trung tâm của vòng tròn đá Stonehenge. Trước đây, người ta cho rằng Đá Bệ thờ cũng có nguồn gốc từ xứ Wales. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đã phủ nhận giả thuyết này.

Bằng cách sử dụng phương pháp xác định niên đại và phân tích hóa học các tinh thể zircon, rutil và apatit từ mảnh vỡ của Đá Bệ thờ, các nhà khoa học phát hiện nguồn gốc thật sự của nó đến từ các tầng đá sa thạch đỏ ở lưu vực Orcadian, thuộc khu vực phía Đông Bắc Scotland và quần đảo Orkney.

“Nó giống như việc tìm thấy dấu vân tay vậy”, Anthony Clarke, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Curtin ở Perth (Australia), cho biết. “Kết quả phân tích hoàn toàn trùng khớp với lưu vực Orcadian ở Scotland và không trùng khớp với bất kỳ nơi nào ở Anh hoặc xứ Wales”.

Clarke giải thích rằng các tinh thể zircon, rutil và apatite gần như không bị phá hủy và đã trải qua nhiều thời đại, khi những dãy núi hình thành rồi bị bào mòn. Các nhà nghiên cứu ước tính độ tuổi của những tinh thể này khoảng một tỷ năm.Sự hiện diện của chúng trong Đá Bệ thờ là dấu vết còn lại từ thời kỳ trước khi các lục địa trôi dạt vào vị trí hiện tại của chúng. Scotland khi đó thuộc về một khối lục địa cổ gọi là Laurentian Shield, nằm ở phía Đông Canada ngày nay. Các loại đá sa thạch đỏ ở những nơi khác trên đảo Anh không chứa những tinh thể cổ xưa như vậy, bởi vì phần còn lại của đảo Anh từng thuộc một khối lục địa trẻ hơn gọi là East Avalonia.

Đá Bệ thờ không phải là hiện vật đầu tiên từ Stonehenge có liên kết với Scotland ở khu vực phía Bắc. “Người ta từng tìm thấy một đầu chùy (mace) ở Stonehenge được làm từ đá gơnai Lewisian có nguồn gốc từ quần đảo Hebrides nằm ngoài khơi bờ biển của Scotland”, Mike Pitts, một nhà khảo cổ học độc lập đã viết cuốn sách How to Build Stonehenge vào năm 2022, cho biết.

Cách thức người cổ đại vận chuyển Đá Bệ thờ từ Scotland hoặc quần đảo Orkney đến miền Nam nước Anh là một vấn đề gây ra nhiều tranh luận. Các nhà địa chất đã loại trừ ý tưởng cho rằng các sông băng đã vận chuyển tảng đá một cách tự nhiên. “Đơn giản là không có bất kỳ bằng chứng nào cho điều đó. Tảng đá đã di chuyển đến Stonehenge do chủ ý của con người”, Clarke nhận định.

Người dân sống trên đảo Anh trong thời kỳ đồ đá mới vận chuyển tảng đá này bằng đường bộ hay đường biển vẫn còn là một câu hỏi mở, chưa có lời giải. Địa hình giữa Scotland và Stonehenge rất gồ ghề, khiến cho việc vận chuyển bằng đường bộ trở nên khó khăn. Nhưng một chuyến đi biển cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Leary tin rằng hành trình qua đường biển là phương án nhiều khả năng xảy ra nhất. “Chúng ta từng đánh giá thấp năng lực và công nghệ của những người dân sống trên đảo Anh trong thời kỳ đồ đá mới. Mặc dù chúng ta chưa từng tìm thấy thuyền của họ, nhưng chúng ta biết họ có thể đã vận chuyển gia súc, cừu và dê bằng đường biển. Điều này chứng tỏ họ có thể thực hiện những chuyến đi tương tự để vận chuyển đá”, Leary cho biết.

Việc phát hiện Đá Bệ thờ có nguồn gốc từ Scotland không phải là kết thúc của vấn đề. “Chúng ta vẫn cần thu hẹp phạm vi để xác định địa điểm chính xác mà người ta đã khai thác nó”, Rob Ixer, đồng tác giả nghiên cứu tại Đại học London, người đã dành nhiều thập kỷ để truy tìm nguồn gốc của các tảng đá nguyên khối ở Stonehenge, cho biết.

“Nỗ lực truy tìm nguồn gốc của những tảng đá là một công việc rất khó khăn và phức tạp. Mỗi khi bạn nghĩ rằng mình đã tiến gần đến câu trả lời, mọi chuyện lại trở nên khó nắm bắt hơn, giống như khi đuổi theo một con thỏ, nó luôn nhảy xa hơn trước khi bạn bắt kịp”, Ixer nói. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ có nhiều điều bất ngờ hơn nữa trong thời gian tới”.

Theo Nature